Chi ngân sách thường xuyên: Giảm thế nào để tránh “giật gấu vá vai”?

(PLO) - Đồng tình với việc phải giảm chi ngân sách thường xuyên nhưng Bộ Tài chính cho rằng cần phải giảm dần theo lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề nghị cần kiên quyết cắt giảm theo lộ trình với tinh thần “giảm dự toán”…
Dự toán chi ngân sách năm 2015. Ảnh: Bộ Tài chính
Dự toán chi ngân sách năm 2015. Ảnh: Bộ Tài chính

Giật mình với cơ cấu ngân sách

Theo báo cáo ngành tài chính, mặc dù thu ngân sách (NS) năm 2015 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bội chi NS cũng lên tới 226.000 tỷ đồng, tương đương 5,0% GDP. Vấn đề đặt ra là tại sao thu NS năm nào cũng vượt nhưng cân đối NS vẫn khó khăn?

Bóc tách cơ cấu các khoản chi, “thủ phạm” được chỉ ra chính là chi thường xuyên, khi hàng năm khoản chi này luôn ở mức 68-69% khiến những khoản chi khác khá hạn hẹp. Đây là những khoản chi tiền lương, tiền công, chi vật tư văn phòng, chi công tác phí, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị,...

Chính nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong một phát biểu với ngành tài chính cuối năm ngoái cũng “giật mình” với cơ cấu NS hiện tại. Đáng chú ý, chỉ riêng tiền lương, tỷ trọng chi lương cho đơn vị sự nghiệp chiếm gần 39% tổng chi lương toàn hệ thống, trong khi đó, cơ quan hành chính từ T.Ư đến xã chiếm tỷ lệ chi chưa đến 9%.

Nguyên Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công là “quá nhiều, quá lớn” khiến mấy năm nay không tăng được lương, trong khi chất lượng và dịch vụ vẫn chưa tốt và người dân còn than phiền nhiều. Cân đối lại thu chi NS, trong đó giảm chi thường xuyên được xem là lời giải cho bài toán NS.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính NS của Quốc hội Bùi Đức Thụ, muốn giảm chi quản lý Nhà nước không có cách nào khác là phải tinh giản bộ máy biên chế bởi vì trong kinh phí bố trí chi quản lý hành chính Nhà nước thì chi trả lương chiếm tỷ trọng rất lớn.

Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng nói rõ: Bắt đầu từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Trong đó, tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%…

Đường đến mục tiêu…

Góp ý cho dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về dự toán NSNN năm 2017, phần dự toán chi thường xuyên Bộ Tài chính cho rằng chi quản lý hành chính của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và đơn vị địa phương nên theo hướng “giảm dần” theo lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính đã được Chính phủ cụ thể hóa. Do đó, dự toán chi thường xuyên cần kiên quyết cắt giảm theo lộ trình với tinh thần “giảm dự toán” chứ không nên “giảm dần” như quan điểm của Bộ Tài chính.

“Việc xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 cần phải rà soát chặt chẽ, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, theo đúng định mức quy định. Không xây dựng dự toán chi thường xuyên quá cao như các năm trước, sau đó lại yêu cầu các cấp, ngành tiết kiệm 10% chi thường xuyên, làm mất kỷ cương, kỷ luật trong việc dự toán chi NSNN” - Báo cáo của Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm.

Bộ Tài chính hẳn có lý do khi nhìn vào khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để “giật gấu vá vai” cho nguồn cải cách tiền lương. Theo Bộ này, cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương năm tới vẫn tương tự như các năm trước là từ nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên, 50% tăng thu NS địa phương và đặc biệt là “hỗ trợ từ NS T.Ư trong trường hợp đã sử dụng hết các nguồn trên nhưng không đủ”.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lại cho rằng việc quy định T.Ư hỗ trợ để tạo nguồn cải cách tiền lương sẽ không khuyến khích bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi tiêu, xây dựng dự toán chi không sát. Bộ KH&ĐT dẫn chứng, thực tế trong các năm qua, địa phương thường xây dựng dự toán thu NS không sát, thường xuyên báo cáo không đủ các nhiệm vụ thường xuyên phát sinh, dẫn đến T.Ư hỗ trợ kinh phí chi cải cách tiền lương cho địa phương rất lớn, nhưng sau đó địa phương vượt thu

lớn, lại không có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này cho cải cách tiền lương và lại đi báo cáo Chính phủ cho điều chuyển sang nhiệm vụ khác đã làm mất kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nguồn NSNN…, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành, địa phương xác định đúng số biên chế, định mức chi tiêu và xây dựng dự toán đúng yêu cầu thực tế.

Không bình luận cách thức giảm chi NS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách tỏ ra sốt ruột khi tình trạng thâm hụt ngân sách đã diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. “Không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu NS sẽ được cải thiện trong năm 2016, nếu không có giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc hội…” - TS Thành quả quyết.

Theo dự toán NSNN năm 2016 được Quốc hội thông qua, dự toán chi NSNN là hơn 1.273.000 tỷ đồng, tăng 126.100 tỷ đồng so dự toán năm 2015. Trong số này, dự toán chi đầu tư phát triển là 254.950 tỷ đồng trong khi dự toán chi thường xuyên là 824.000 tỷ đồng, ưu tiên bố trí các nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4, tổng chi NSNN ước đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm; trong đó: chi đầu tư phát triển bằng 21,1% dự toán; chi trả nợ và viện trợ bằng 27,2% dự toán; chi thường xuyên bằng 27% dự toán.

Đọc thêm