Ngân sách căng thẳng do giá dầu giảm sâu

(PLO) - Trong bối cảnh nguồn thu từ dầu, khí giảm do giá dầu giảm sâu, trong 10 tháng cuối năm ngành Thuế sẽ phải phấn đấu thu tối thiểu khoảng 680.000 tỷ đồng, nếu loại trừ các yếu tố chính sách và các nguồn thu đột biến thì tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2015.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước quý I/2016 của Tổng cục Thuế diễn ra vào sáng qua (25/3).

Thu từ dầu thô chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2 tháng đầu năm 2016 do cơ quan thuế (CQT) quản lý đạt 145.750 tỷ đồng, đạt 17,4% dự toán, bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đáng chú ý, thu từ dầu thô chỉ đạt 5,77 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015 trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đạt khoảng 36 USD/thùng, giảm 24 USD/thùng so với giá dự toán. 

Bù lại, thu nội địa có mức tăng khá, đạt 139,98 nghìn tỷ đồng, bằng 17,8% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,5%).

Hầu hết các khoản thu quan trọng tiến độ thu đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm trước, như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 23,5% dự toán, tăng 13,9%; thu từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21% dự toán, tăng 13,8%; thuế thu nhân cá nhân đạt 17,8% dự toán, tăng 12,6%; thu tiền sử dụng đất đạt 25,4% dự toán, tăng 7,7%... Có 34/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 17%); có 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ… 

10 tháng phấn đấu tăng thu gần 20%

Phân tích những nguyên nhân tích cực tác động đến thu NSNN 2 tháng đầu năm song Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế Vũ Hồng Long cũng tỏ ra lo lắng khi đề cập những tác động tiêu cực đến kết quả thu, đó là giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu và tình hình thời tiết diễn biến xấu, rét hại, rét đậm đầu năm ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đã ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN tại một số địa phương. 

Ông Long cho biết, với 1 USD giảm của giá dầu, ngân sách có thể giảm tương ứng khoảng 1.500 tỷ đồng. Bởi vậy, với phương án nếu giá dầu còn 30 USD/thùng, “túi tiền” của quốc gia có thể bị hụt 45.000 tỷ đồng. 

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2016 Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao, trong bối cảnh nguồn thu từ dầu, khí giảm do giá dầu giảm sâu, trong 10 tháng cuối năm ngành Thuế phải phấn đầu thu tối thiểu khoảng 680.000 tỷ đồng, nếu loại trừ yếu tố chính sách và các nguồn thu đột biến thì tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2015. 

“Đây là thách thức lớn nên cần giải pháp ngay từ những tháng đầu năm để đảm bảo dự toán giao…”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh. Vì vậy, Tổng cục Thuế cũng chính thức thành lập Ban Quản lý rủi ro và chỉ đạo CQT các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu ngân sách.

Khai thác thêm nguồn thu, tăng cường chống thất thu

Một loạt giải pháp được ngành Thuế đưa ra, trong đó lưu ý CQT các cấp cần triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống thất thu thuế, khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN.

Bên cạnh những giải pháp mang tính nghiệp vụ, Tổng cục Thuế lưu ý CQT các cấp xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả; tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để đưa vào quản lý thu thuế, đảm bảo 100% số lượng người nộp thuế hoạt động phải kê khai thuế.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai có rủi ro cao, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế; tập trung rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập DN, địa bàn trọng điểm để chỉ đạo tăng cường quản lý thu. Tổ chức thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách theo kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra vào NSNN.

Song song với tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, Tổng cục Thuế lưu ý CQT các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN. 

Tăng cường kiểm tra, thanh tra các chuyên đề chuyên sâu đối với các DN thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao, giao dịch liên kết, chuyển giá, ngăn chặn các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế; phấn đấu thanh tra, kiểm tra khoảng 18% số DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng quản lý thuế; tổ chức thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào NSNN…/.

Đọc thêm