“Chìa khóa” giúp ngành Hải quan đáp ứng được lượng việc gia tăng nhanh chóng: Kỳ 3- Sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu hải quan mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, ngành Hải quan đã đề ra loạt giải pháp đáng chú ý, trong đó sẽ nghiên cứu đầu tư, sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu hải quan mới.
Cán bộ Hải quan thực thi nhiệm vụ. (Ảnh: T.C)
Cán bộ Hải quan thực thi nhiệm vụ. (Ảnh: T.C)

Áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi

Theo báo cáo trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thời gian tới, Bộ Tài chính đã xác định các giải pháp. Cụ thể, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế; bảo đảm thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan theo hướng áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi: Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO; quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao. Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO bảo đảm cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn…

Đặc biệt, sẽ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ((Kết nối Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI)...) để nâng cao hiệu quả nghiệp vụ quản lý rủi ro: Đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan; phân tích, đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm để cảnh báo rủi ro, áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp, hiệu quả ở ba khâu trước, trong và sau thông quan.

Toàn ngành cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu về cải cách thể chế, phù hợp với yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia, hệ thống một cửa ASEAN để đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ việc xử lý tự động của hệ thống hải quan số…

Sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu mới

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, giải đáp ý kiến của đại biểu Quốc hội về thủ tục hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, nhìn chung, hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan Bộ Tài chính hết sức hiện đại, phục vụ thuận lợi cho phát triển kinh tế, thông quan, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan đến nay lạc hậu.

“Dữ liệu lớn quá nên chúng tôi phải rút các dữ liệu khác ra chỉ phục vụ dữ liệu thông quan, còn các dữ liệu về giá, kê khai chúng tôi phải đưa ra. Bây giờ không kết nối được. Chúng tôi muốn kết nối với các doanh nghiệp hay kết nối với các đơn vị khác thì không kết nối được mà chỉ kết nối được với Cổng thông tin điện tử một cửa của Chính phủ. Ở đây đặt vấn đề phải thay thế hệ thống này”, Bộ trưởng Phớc phản ánh. Ông dẫn chứng, dữ liệu xuất nhập khẩu của chúng ta ngày một lớn, từ khi chúng ta mới có 1 tỷ USD đến bây giờ kim ngạch xuất nhập khẩu đến 732 tỷ USD, như năm vừa qua là 680 tỷ USD nên cần phải được thay thế gói dữ liệu.

Ông cho hay, trong chuyến công tác tại Nhật Bản mới đây đã có đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giải pháp tháo gỡ. Theo đó, năm 2024 là hết bảo hành của dữ liệu này và bản quyền của dữ liệu phía công ty của Nhật Bản đang giữ mà không chuyển giao cho Việt Nam thì sẽ rất khó để cải tạo dữ liệu. Bộ Tài chính đề nghị phía JICA tiếp tục kéo dài thêm cho năm 2025 và sẽ đề nghị với Chính phủ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khác hoặc Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho một dự án dữ liệu ODA mới về công nghệ thông quan. Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, đề nghị này được đồng tình và ủng hộ.

Đọc thêm