Trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa hai Nhà nước Việt Nam – Cuba, trong 2 ngày 17-18/4, SCIC đã tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Vai trò của cải cách DNNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Trường kỳ tái cấu trúc
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cho biết, tiến trình cải cách DNNN của Việt Nam được thực hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và theo từng giai đoạn: 1991-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020.
Ở thời điểm năm 1980, Việt Nam có 12.000 DNNN, năm 1991 Việt Nam bắt đầu phân loại DNNN và với DN không đủ tiêu chuẩn của DNNN thì thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức: sáp nhập, hợp nhất, CPH, giải thể hay cho phá sản. Đến năm 2000, số DNNN đã giảm một nửa, chỉ còn 6.000 DNNN. Trong quá trình sắp xếp này, Việt Nam cũng thành lập những tổng công ty nhà nước để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNN. Từ đó đã có những tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước gọi là tổng công ty 90 – tổng công ty 91.
Tiếp đến các năm 2001-2005 có 3.150 DNNN được sắp xếp lại để tinh gọn hơn, trong đó đã bán và CPH 2.757 DN. Dù giảm đi tới khoảng 3000 DNNN nhưng cơ cấu vốn của DNNN gần như không thay đổi, tỷ trọng vốn vay vẫn luôn chiếm tới 60 % tổng nguồn vốn của DN, trong đó có nhiều DN vốn vay tới 90%. Giai đoạn 2006-2010 là thời gian tiếp tục bán, CPH sắp xếp lại DNNN đồng thời cũng thành lập các TĐ kinh tế nhà nước. Đây cũng là giai đoạn thí điểm CPH các công ty nông nghiệp và các công ty lâm nghiệp. 752 DN đã được CPH và bán trong giai đoạn này. Đến 10/2011 chỉ còn 1309 DN 100% vốn nhà nước.
Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ tiến hành tái cơ cấu DNNN tập trung vào các TĐ, tổng công ty nhà nước. Trong đó, đã kết thúc thí điểm 3 TĐ (Công nghiệp tàu thủy, Sông Đà, Phát triển nhà và đô thị) đưa về mô hình tổng công ty. Giai đoạn này bắt đầu CPH các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến hết năm 2017 cả nước có khoảng hơn 526 DNNN. Số lượng DNNN đã giảm mạnh và phần lớn các DN này đều sản xuất, kinh doanh có lãi, DNNN nắm giữ 100% vố điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh.
“Mục tiêu là đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại và đổi mới DNNN, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN và năng lực cạnh tranh của DNNN…” - ông Long nhấn mạnh.
Làm khác sẽ thành công hơn?
Một trong những bài học được đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN “chốt” lại là phải xây dựng các TĐ kinh tế, tổng công ty Nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung nhớ lại ý tưởng gộp lại hàng nghìn DNNN lúc bấy giờ để dễ quản lý có vào khoảng năm 1991, với việc thành lập 2 loại tổng công ty 90 - tổng công ty 91 trên cơ sở gộp các DN cùng ngành nghề.
Sau 10 năm, nhận thấy mô hình này “không lớn lên” nên Việt Nam thí điểm chuyển một số tổng công ty 91 lên TĐ kinh tế. Từ đó đến 2007 đã thành lập 7 TĐ kinh tế. “Sau khi thành lập 7 TĐ kinh tế thì có xu hướng nhiều tổng công ty 91 muốn nâng lên TĐ. Nhưng cũng là giai đoạn bắt đầu khủng hoảng kinh tế nên một số TĐ thất bại. Sau đó một số TĐ, tổng công ty chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con. Với mô hình này, mối quan hệ là sở hữu chứ không phải mối quan hệ hành chính vì công ty mẹ đầu tư vào công ty con …” – ông Cung giải thích.
Đồng tình với việc đánh giá vai trò của các TĐ kinh tế nhà nước khi các TĐ này đang chi phối 80 – 90% số lượng doanh thu của các lĩnh vực quan trọng như điện, viễn thông… song Viện trưởng CIEM vẫn cho rằng việc thành lập TĐ tổng công ty vẫn theo mệnh lệnh hành chính, kiểu gộp “nhỏ thành to”…
“Đây không phải là cách hay, lẽ ra phải để DN lớn lên dần dần, tự nhiên… Trong quá trình đó sẽ thành lập các công ty con, sẽ lớn lên thành TĐ...” - ông Cung bày tổ chính kiến, đồng thời khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực của phát triển, không cạnh tranh được là thất bại. Ví dụ điển hình nhất là trong lĩnh vực viễn thông, nhờ có cạnh tranh mà dịch vụ tốt hơn, giá cả rẻ hơn.
Không chỉ cạnh tranh trong nước, theo ông, các TĐ kinh tế phải cạnh tranh trên thị trường nước ngoài, hướng đến mục tiêu tăng dần thị phần, có như vậy mới chứng tỏ năng lực của DN… “Nhưng điều này ở Việt Nam không làm được. Và khi không làm được như thế thì có sự thua lỗ khá lớn như Vinashin, Vinalines… Đây là bài học về cải cách DNNN của Việt Nam…” - Viện trưởng CIEM lưu ý.
Viện trưởng CIEM cũng khẳng định, việc thành lập TĐ, tổng công ty là đúng nhưng cách sử dụng mệnh lệnh hành chính như Việt Nam là không thành công. “Đừng gom DN lại, đừng sử dụng mệnh lệnh hành chính với DN. Hãy để DN “tự lớn” lên, tự thâu tóm các DN khác bằng cơ chế thị trường và họ phải tự vươn lên cạnh tranh ra thị trường bên ngoài. Tóm lại có thể làm khác sẽ thành công hơn…” - ông Cung đưa ra lời khuyên.