Chia sẻ kinh nghiệm để nạn nhân bị bạo lực, mua bán người được bảo vệ tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để phòng tránh việc trở thành nạn nhân của mua bán người, đa số phụ nữ di cư lao động nước ngoài có mong muốn được tập huấn các kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, quy định luật pháp nước sở tại, các kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực cũng như cách thức liên hệ với chính quyền, cơ quan, tổ chức khi xảy ra sự việc.
Công an xã Tà Tổng, huyện Mường Tè phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền đến người dân phòng, chống tội phạm mua, bán người. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Báo CAND
Công an xã Tà Tổng, huyện Mường Tè phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền đến người dân phòng, chống tội phạm mua, bán người. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Báo CAND

Theo số liệu từ Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 8.112 nạn nhân mua bán người. Nếu tính từ khi thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người (năm 2004) đến nay, có 13.857 nạn nhân bị mua bán. Phân tích về tình hình nạn nhân cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%).

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán” do Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tổ chức sáng 27/6, trong khuôn khổ các hoạt động của dự án “Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn, quyền được pháp luật bảo hộ danh dự, nhân phẩm là những quyền cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp nước ta và được cụ thể hóa trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta rất lo ngại trước tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, mua bán. Trước thực trạng đó, từ nhiều năm nay, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành “Quy định và hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.

TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tăng cường phối hợp thông qua ký kết và thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em (Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp...); tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng nói chung về bạo lực giới, buôn bán phụ nữ, cũng như các vấn đề nổi cộm khác.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận, công tác phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn ít kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ.

Xuất phát từ những bất cập nêu trên, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với UNWomen tiến hành khảo sát, đánh giá về tình hình di cư lao động tại các địa phương, phân tích các vấn đề và nguy cơ liên quan, khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình di cư của họ… Kết quả nghiên cứu cho thấy, mong muốn của đa số phụ nữ di cư lao động nước ngoài tham gia khảo sát là được tập huấn các kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, quy định luật pháp nước sở tại, các kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực cũng như cách thức liên hệ với chính quyền, cơ quan, tổ chức khi xảy ra sự việc.

Từ kết quả nghiên cứu và rà soát các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 liên quan đến trách nhiệm của các ngành, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam và UNWomen phối hợp xây dựng “Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người” dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp.

Tại hội thảo ngày 27/6, các đại biểu đến từ Bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, quy trình và cách thức hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán trên thực tế; những khó khăn, cách làm và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, bị mua bán.