Chiêm ngưỡng Cung điện Hawa Mahal với gần 1.000 cửa sổ ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cung điện Hawa Mahal được xây dựng vào năm 1799 bởi hoàng đế Mahara Sawai Pratap Singh của Vương triều Kachiwari Rajput , tọa lạc tại thành phố Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ, cách thủ đô Delhi 300km, là một phần của khu phức hợp cung điện Thành phố Jaipur. Cung điện mang kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng. Nhìn từ xa, cung điện như một tổ ong khổng lồ với gần 1.000 cửa sổ nhỏ chi chít.
Cung điện Hawa Mahal (Ảnh: Sưu tầm)
Cung điện Hawa Mahal (Ảnh: Sưu tầm)

Cung điện Hawa Mahal còn được gọi là "Cung điện Gió" với chiều cao 26,5m và 953 cửa sổ được trang trí công phu. Trong tiếng Hindi, "hawa" có nghĩa là gió và "mahal" có nghĩa là cung điện. Công trình được thiết kế nhiều cửa sổ để các quý cô hoàng gia thoải mái ngắm nhìn cảnh đường phố hay các lễ hội mà không bị dân chúng chú ý.

Cung điện Hawa Mahal còn được gọi là "Cung điện Gió" (Ảnh: Sưu tầm)

Cung điện Hawa Mahal còn được gọi là "Cung điện Gió" (Ảnh: Sưu tầm)

Các quý cô hoàng gia thoải mái ngắm nhìn cảnh đường phố thông qua các cửa sổ (Ảnh: Sưu tầm)

Các quý cô hoàng gia thoải mái ngắm nhìn cảnh đường phố thông qua các cửa sổ (Ảnh: Sưu tầm)

Cung điện được xây dựng từ đá sa thạch đỏ và hồng. Khi ánh nắng chiếu vào lại càng thu hút ánh nhìn của khách du lịch. Du khách có thể đi vào khu vực sân trong để tận mắt trải nghiệm hiệu ứng làm mát tại cung điện. Cung điện Hawa Hahal là ví dụ điển hình cho việc ứng dụng định luật nhiệt động lực học vào thiết kế.

Cung điện được xây dựng từ đá sa thạch đỏ và hồng (Ảnh: Sưu tầm)

Cung điện được xây dựng từ đá sa thạch đỏ và hồng (Ảnh: Sưu tầm)

Lối vào cung điện Hawa Mahal mở ra một khoảng sân rộng, có các tòa nhà hai tầng ở ba phía. Hai tầng trên cùng chỉ lên được nhờ các đường dốc thoải. Cung điện Hawa Mahal hiện được quản lý và bảo trì bởi Cục khảo cổ của Chính quyền thành phố Rajasthan, tỉnh Jaipur, Ấn Độ.

Lối vào cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

Lối vào cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

Du khách ghé thăm cung điện Hawa Mahal sẽ choáng ngợp với phần sân rộng có một bảo tàng khảo cổ học, các tòa nhà hai tầng có ba mặt quay vào nhau. Ban đầu, cung điện mang thiết kế này bởi mục đích người trong hoàng gia có thể quan sát cuộc sống hàng ngày của người dân trên đường phố tại bất cứ vị trí nào.

Phần sân rộng của cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

Phần sân rộng của cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

“Cung điện gió” là công trình được xây nối liền Cung điện Hoàng gia với Hậu cung. Đặc điểm kiến ​​trúc của nó cho phép không khí mát đi qua các phòng nhờ hiệu ứng Venturi khiến toàn bộ khu vực trở nên dễ chịu hơn, nhất là trong thời tiết nhiệt độ cao vào mùa hè.

Mặt tiền của cung điện được chạm khắc cầu kỳ cùng các ô cửa nhỏ. Cửa sổ và ban công được chế tạo để thông gió, làm mát và điều hòa không khí của toàn bộ các tầng trong lâu đài. Những ban công nhỏ chắn ngang cửa sổ và mái vòm được gắn vào các gờ của cung điện tạo nên nét nổi bật và vẻ đẹp độc đáo cho cung điện. Với hệ thống các ô cửa sổ nhỏ đón những luồng gió từ ngoài thổi vào nên cung điện Hawa Mahal luôn mát mẻ ngay cả trong thời tiết vô cùng nóng nực của mùa hè. Đây là nơi các thành viên của hoàng gia Ấn Độ nghỉ mát mỗi khi hè về. Ngoài ra, các yếu tố trang trí chỉ tồn tại ở mặt trước. Bên trong cung điện khá giản dị với hàng loạt cột trụ và đường dẫn lên tầng cao hơn.

Mặt tiền cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

Mặt tiền cung điện (Ảnh: Sưu tầm)

"Cung điện gió" không có cầu thang mà sử dụng đường dốc làm lối đi lại. Năm 2005, nơi đây đã phải trùng tu và bổ sung thêm một thang máy để phục vụ du khách tham quan.

Cung điện Hawa Mahal là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Hindu Rajput và Hồi giáo Mugha. Phong cách Rajput được thể hiện dưới dạng mái vòm dạng tán, cột trụ có rãnh, hoa sen và các dạng hoa văn còn phong cách Hồi giáo thể hiện rõ trong những chi tiết bằng đá mảnh mai được trang hoàng đẹp mắt làm cho nó có sự khác biệt với các công trình tương tự.

Cung điện Hawa Mahal là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Hindu Rajput và Hồi giáo Mugha. (Ảnh: Sưu tầm)

Cung điện Hawa Mahal là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Hindu Rajput và Hồi giáo Mugha. (Ảnh: Sưu tầm)

Kiến trúc sư Kavita Jain cho biết đây là một công trình tạo nên kỳ tích về mặt kỹ thuật. Các yếu tố thẩm mỹ được áp dụng hài hòa để tạo ra một vùng khí hậu vi mô, tạo cảm giác thoải mái cho các nữ hoàng.