Chiêm ngưỡng Tượng Phật bốn tay lâu đời nhất Việt Nam

(PLO) -Trong một ngôi chùa cổ ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có 2 báu vật quý giá được nhiều người nhắc đến và đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận có niên đại cổ xưa nhất Việt Nam, thu hút nhiều du khách thập phương gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Tượng Phật bốn tay được thờ trong chính điện chùa Linh Sơn.
Tượng Phật bốn tay được thờ trong chính điện chùa Linh Sơn.

Hai báu vật chúng tôi muốn nhắc đến đó là 2 bức bia đá cổ và tượng Phật bốn tay có niên đại hàng ngàn năm ở trong  chùa Linh Sơn hay còn gọi là chùa Phật Bốn Tay tọa lạc tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Niên đại hàng ngàn năm

Từ lâu, chùa Linh Sơn được xem là điểm đến tâm linh thiêng liêng của nhiều phật tử hành hương và du khách gần xa. Chùa được xây dựng và tồn tại hơn một thế kỷ trên gò đất cao, nhiều cây đại thụ bao quanh tạo nên không gian yên tĩnh, thanh tịnh. Hỏi về lý do chùa được thành lập, nhiều người dân địa phương cho biết, vào năm 1913 phát hiện một pho tượng Phật bốn tay cao 1,7m nằm sâu trong lòng đất tại khu vực gần chợ Ba Thê.

Đồng thời, trước đó cũng tìm thấy hai tấm bia bằng đá bùn cao khoảng 1,8m, dày khoảng 0,22m có khắc chữ cổ. Vì lẽ đó, người dân quanh vùng gom góp tiền của và chung tay xây dựng ngôi chùa này để tôn thờ tượng Phật và gìn giữ bia đá cổ.

Tuy nhiên, nhiều người khác  lại cho rằng, trước đó chùa đã được xây dựng bằng gỗ lợp lá và có thờ 2 bia đá trong chùa. Đến năm 1913, khi mang tượng Phật 4 tay về thờ thì chùa mới được xây dựng bằng gạch, đá. Qua nhiều lần trùng tu chùa mới khang trang, vững chắc như hiện nay. 

Trong chánh điện, tượng Phật bốn tay được đặt trang nghiêm chính giữa bệ thờ, 2 bia đá dựng 2 bên. Một bia đá có khắc chữ và một bia đá không khắc chữ. Ngoài ra, chánh điện còn thờ tượng A Di Đà, tượng Quan Thế Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, Thích Ca Mầu Ni, Hộ pháp…

Theo giới nghiên cứu, chùa Linh Sơn được xây dựng trên nền của một nền văn hóa cổ khá rộng lớn. Nơi đây và xung quanh khu vực này đã từng được khai quật và phát hiện nhiều vật bằng đá có giá trị của nền văn hóa Óc Eo cổ.

Qua đối chiếu với lịch sử tồn tại và suy vong của Vương quốc Phù Nam, các học giả, các nhà khảo cổ đã đưa ra nhận định: Chùa Linh Sơn và khu vực phía Đông núi Ba Thê từng là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam sau khi kinh đô Angkor Borei bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.  

Khi đến Chùa Linh Sơn, đa phần mọi người đều ngạc nhiên khi đứng trước tượng Phật bốn tay. Vì trong truyền thuyết Phật giáo xưa nay chỉ có Phật 18 tay, tức Phật nghìn tay nghìn mắt “thiên thủ thiên nhãn” chứ không có Phật bốn tay. Song theo các nhà khảo cổ học, tượng Phật bốn tay chính là tượng thần Vishnu có cùng niên đại với tượng Bà Chúa xứ ở Núi Sam và đều thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Chùa Linh Sơn
Chùa Linh Sơn

Tượng bằng đá sa thạch màu xám đen theo tư thế đứng có hình rắn na-ga bảy đầu làm thành tán che phía sau. Đây là hình ảnh thường gặp trong tín ngưỡng của Bà la môn giáo. Còn bốn tay của đức Phật thì tay phải trên cầm xâu chuỗi, tay phải dưới cầm trái châu, tay trái trên bắt ấn A Di Đà và tay trái dưới cầm cái linh (chuông nhỏ - PV).

Khi phát hiện, tượng có màu đen của các loại đá cổ. Tuy nhiên, sau đó được đắp thêm phần chân để có dáng ngồi theo tư thế kiết già. Các nhà nghiên cứu cho rằng bức tượng có từ khoảng thế kỉ 2 đến thế kỉ 6. 

Ly kỳ chuyện thỉnh tượng

Nói về tượng Phật bốn tay, người dân nơi đây cũng tương truyền trong dân gian một truyền thuyết khá giống với truyền thuyết thỉnh tượng Bà Chúa xứ Núi Sam. Chuyện kể rằng khi làm đường phát hiện được pho tượng này, người Khmer lúc bấy giờ báo với quan Pháp tại vị là Tượng của tộc Người Khmer nên họ đã tập hợp thanh niên trai tráng khỏe mạnh cho khiêng tượng về Chùa Kal Bopruk  ở chân núi Ba Thê để thờ. Đồng thời họ còn cho rằng đó là tượng Neata Phrom (thần Núi theo tín ngưỡng thờ ông Tà của người Campuchia – PV). 

Lạ thay mọi người không sao di chuyển nổi. Sau này, nhờ các bô lão trong vùng trình với quan Pháp xin được thỉnh Tượng để thờ, được quan Pháp đồng ý, các bô lão đứng ra lập bàn thờ khấn vái thì không hiểu sao Tượng được thỉnh đi khá dễ dàng. Khi di chuyển được đến gần chùa Linh Sơn thì tượng lại càng nặng thêm, thế là các bô lão quyết định đưa pho tượng vào chùa Linh Sơn.

Điều bất ngờ hơn là pho tượng lại vừa khít ở giữa 02 phiến đá cổ có sẵn ở chùa. Thế là tượng được yên vị tại đó và được cư dân người Kinh lúc bấy giờ xem là Phật bốn tay và cho thờ phụng đến ngày nay.

Đối với 2 bia đá cổ, chữ khắc vẫn còn khá rõ nét, nhưng nội dung của nó luôn là một thách đố đối với các nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước. Bia đá phát hiện năm 1879, làm bằng chất liệu đá sa thạch đen, có nhiều vân trên bề mặt, trong đó 1 bia phía bên trái (từ cửa chánh điện nhìn vào) có chạm khắc chữ cổ.

Theo các nhà khảo cổ, chữ khắc trên bia đá có thể là chữ của dân tộc Phù Nam có cùng nguồn gốc với chữ Brami của người Ấn Độ, được sử dụng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V và cùng một loại chữ đã khắc trên những thạch thư, thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo được tìm thấy trong quá trình khai quật và sưu tầm.

 Nội dung chưa được các nhà ngôn ngữ học dịch trọn vẹn mà chỉ biết “… Vì Hoàng Hậu, thân mẫu của Kumarambha tuân theo con đường của Đạo Pháp, đã vui mừng cúng (thần) SriVarhamana vài chục tôi tớ…”. Người dân và du khách gần xa đến với chùa Linh Sơn ngoài chiêm bái tượng Phật bốn tay họ còn chạm vào 2 bia đá cổ với hy vọng nó sẽ mang may mắn và bình an đến cho họ.

Với những giá trị trên, ngày 6/12/1988, tượng Phật bốn tay và 2 bia đá được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngày 24/5/2009, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận có niên đại cổ xưa nhất Việt Nam. Ngoài ra, ngày 23/4/2015, 2 báu vật này còn được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo (từ TK I đến TK VII) khu vực trung tâm Óc Eo – Ba Thê (thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang)  được nhìn nhận là một trong nhiều cảng thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Vì lẽ đó, nơi đây đã khai quật được nhiều đồ vật có giá trị của nền văn hóa Óc Eo.
Từ tháng 8/2017 đến nay, sau thời gian tổ chức khai quật khảo cổ học vả bảo quản hiện trường tại chùa Linh Sơn-thuộc Khu di tích Óc Eo, Viện Khảo cổ học đã hoàn thành xây dựng 15 cột mốc tọa độ lưới di tích; khai quật được 2 hố, một hố rộng gần 300m2. Kết quả đã tìm được khoảng 20.000 di vật các loại gồm vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt…
Ngoài lớp đất mặt và lớp sinh thổ, xác định có 5 lớp văn hóa thuộc về 5 thời kỳ khác nhau phát triển liên tục, kế thừa trên một địa điểm. 

Đọc thêm