Chiến dịch hút 'đại bàng' công nghệ bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là nguồn nhân lực dồi dào và việc chủ động triển khai chiến dịch “thu hút” đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Công ty ARM và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. (Ảnh: MPI).
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Công ty ARM và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. (Ảnh: MPI).

Khẩn trương ban hành chiến lược cho công nghiệp bán dẫn

Công nghiệp bán dẫn (sản xuất chip) là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Việt Nam đã thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Intel, Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Trong khi đó, giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới năm 2023 đã đạt đến 600 tỷ USD. Đây thực sự là một dư địa rất lớn để Việt Nam có thể thu hút đầu tư từ ngành công nghiệp này. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Chính phủ hiện cũng đang rất quan tâm đến đề án và đặt ra nhiệm vụ “Khẩn trương ban hành và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn”.

Đề nghị doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới có một loạt các cuộc làm việc với các doanh nghiệp (DN) chuyên về công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ. Thông tin đến các DN này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới,

Làm việc với Công ty ARM (DN đang độc quyền về kiến trúc chip với 95% điện thoại thông minh đang dùng công nghệ của ARM), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ARM nghiên cứu, sớm có kế hoạch hợp tác đầu tư tại Việt Nam; Hợp tác với Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Kết nối các đối tác của ARM tại châu Á và trên thế giới để đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, ARM sớm mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới.

Bộ trưởng cũng đề nghị ARM phối hợp NIC để hỗ trợ 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam trong đào tạo thiết kế chip, tổ chức khóa đào tạo giảng viên để đào tạo cho các giảng viên; hỗ trợ bản quyền phần mềm của ARM để phục vụ đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam; phát triển phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung phục vụ đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế chip; hỗ trợ cho các startup của Việt Nam phát triển thiết kế chip sử dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ của ARM...

Trong cuộc làm việc với Marvel (Công ty hàng đầu về thiết kế chip của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1995), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn DN này mở rộng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để biến Việt Nam thành cứ điểm quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Marvell. Marvell đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013.

Cụ thể, Bộ trưởng Dũng đề nghị Marvell nghiên cứu mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới; Đồng thời phối hợp với NIC triển khai và mở rộng chương trình học bổng Marvell Excellence Scholarship tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy các chương trình thực tập tại Marvell Việt Nam và Marvell tại các khu vực khác cho sinh viên Việt Nam.

Đáng chú ý, trong cuộc làm việc với Google, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Google cùng đứng tên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NIC để xây dựng và phát triển Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển về AI (trí tuệ nhân tạo) của Google và NIC tại cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; phát triển các không gian phát triển sản phẩm kỹ thuật số và nội dung số tại các cơ sở của NIC...

Đọc thêm