Xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút và chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn của thế giới tới hợp tác đầu tư và cùng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, nhân lực, có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần chú trọng tới việc thu hút chuyển giao công nghệ.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. (Ảnh: NVCC).
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. (Ảnh: NVCC).

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Cuối tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, môi trường và năng lượng Jose Fernandez đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tiếp tục hiện thực hóa, triển khai cụ thể các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023.

Chia sẻ với báo chí, ông Fernandez nhấn mạnh, bán dẫn là trọng tâm của chuyến thăm của ông. “Thông điệp của tôi đến lãnh đạo Việt Nam là phải nắm bắt cơ hội ngay lúc này. Đang có cuộc cạnh tranh trên thế giới, nếu Việt Nam thắng sẽ rất có lợi”, ông Fernandez cho hay. Thứ trưởng Jose Fernandez cũng khẳng định, Mỹ sẽ hợp tác, ủng hộ Việt Nam thực hiện mục tiêu của mình với ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư cho ngành này.

Là một người từng có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nga, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT cũng cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành nước có ngành công nghiệp bán dẫn. “Công nghiệp bán dẫn là ngành siêu lợi nhuận, sử dụng ít đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu sử dụng tài nguyên con người. Nếu tham gia chuỗi bán dẫn của thế giới, Việt Nam có thể “đánh thức” và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên to lớn này của đất nước”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nói. Về mặt chiến lược, đây có thể là ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển của Việt Nam, thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp khác, từ đó tác động tích cực cho phát triển kinh tế của đất nước.

Chỉ ra những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới tham gia xây dựng các cơ sở bán dẫn vi mạch, ông Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, Việt Nam có thuận lợi lớn là an ninh chính trị và môi trường phát triển ổn định, có chính sách ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước” cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Đặc biệt, vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng của Việt Nam là thuận lợi căn bản cho thu hút đầu tư xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Quốc Sỹ, thực tế hiện nay, tại Việt Nam đang có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt cơ sở sản xuất vi mạch. Tuy nhiên, công nghệ, máy móc, trang thiết bị, mô hình tổ chức quản lý là của các doanh nghiệp này đem tới, còn chúng ta chỉ tham gia ở giai đoạn cuối của quy trình sản xuất là kiểm thử và đóng gói. Chúng ta cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền, với các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.

Vì vậy, để xây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, Việt Nam phải nhanh chóng học hỏi công nghệ, tiếp thu tri thức khoa học, tiến tới làm chủ công nghệ để có thể phát triển cùng các nước. “Chúng ta không chỉ phải chuẩn bị lực lượng cán bộ, chuyên gia cao cấp, mà còn phải xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại; đồng thời phải triển khai nghiên cứu các công nghệ của riêng mình thì mới mong đi cùng và tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn của thế giới”, ông Sỹ nhận định.

Cần có cơ chế đặc biệt, thuận lợi cho các nhà đầu tư

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Sỹ, cần tách bạch giữa việc Chính phủ các nước mạnh về công nghiệp bán dẫn ủng hộ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với việc các tập đoàn lớn về bán dẫn của thế giới đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các đơn vị, tập đoàn lớn của thế giới. Ủng hộ về mặt chính trị rất quan trọng và là nền tảng vững chắc, thuận lợi để các tập đoàn xem xét đầu tư tại Việt Nam. Nhưng, quyết định cuối cùng về việc có đầu tư hay không là ở các tập đoàn công nghệ. Với họ, tiêu chí quan trọng nhất và hàng đầu là lợi nhuận. Vì vậy, nếu Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để họ có thể yên tâm triển khai các dự án công nghiệp bán dẫn, có lợi nhuận lâu dài thì họ sẽ đầu tư tại Việt Nam và ngược lại.

Phân tích, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ chỉ rõ, chúng ta phải sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ điều kiện cung cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không... Bên cạnh đó, cần có một cơ chế đặc biệt, thuận lợi, một hệ thống tổ chức quản lý tinh gọn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn.

Với nhân lực khoa học công nghệ cho ngành công nghiệp bán dẫn, điều quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Đáp ứng được đầy đủ các yếu tố nêu trên mới mong doanh nghiệp, các tập đoàn bán dẫn lớn của thế giới tới hợp tác đầu tư và cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. “Thức ăn của đại bàng khác với thức ăn cho chim ri. Chúng ta phải có cách tiếp cận đặc biệt, có cơ chế đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn. Cách tiếp cận đặc biệt ở đây không chỉ là ưu tiên đặc biệt, mà còn phải có cái mà người khác không có. Trong rừng cây có nhiều cây, nhưng đại bàng sẽ chọn cây cao, chắc, to khỏe, chịu được gió bão để làm tổ”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh.

Vị GS.TSKH này cũng cho rằng, chuyển giao công nghệ và đầu tư lớn từ các đối tác trên thế giới là yếu tố then chốt, quyết định thành công trong xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam phải xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút và chuyển giao công nghệ, chất xám trong lĩnh vực này. Đồng thời, phải có hệ thống R&D chuyên sâu, tích hợp với đào tạo và sản xuất, cho ra đời các phát minh công nghệ của riêng mình, mới có thể đi cùng với thế giới trong chuỗi sản phẩm bán dẫn.

“Không nên đầu tư dàn trải, mà tập trung cho một số công nghệ mũi nhọn, công nghệ lõi, công nghệ nền, với nhu cầu nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược lâu dài, có ý nghĩa lớn lao, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó, cần xác định thị trường và các sản phẩm bán dẫn mà Việt Nam có thể tham gia. Sản phẩm đầu ra ngành công nghiệp bán dẫn phải được điều tiết bằng cơ chế chung của thị trường”, ông Nguyễn Quốc Sỹ khuyến nghị về việc xây dựng chính sách, chiến lược đầu tư vào bán dẫn.

Đọc thêm