Chiến lược xét nghiệm diện rộng quan trọng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ số liệu dịch tễ trên cho thấy, trong giai đoạn 2 (không xét nghiệm diện rộng), số ca tử vong hằng ngày xu hướng tăng lên. Khi triển khai xét nghiệm diện rộng trong giai đoạn 3, phát hiện số ca dương tính lớn, những số ca tử vong bắt đầu có xu hướng giảm dần.
 Việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng cho phép phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là các trường hợp không hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng.
Việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng cho phép phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là các trường hợp không hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng.

Chia sẻ về chiến lược xét nghiệm kiểm soát lây nhiễm của biến chủng Delta, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, chiến lược này được áp dụng dựa trên các điều kiện như: Tình hình dịch bệnh thực tế; đặc điểm virus học của căn nguyên nổi trội gây bệnh; khả năng về nhân lực, trang thiết bị, cung ứng sinh phẩm hoá chất; kỹ thuật xét nghiệm cập nhật và phổ biến.

Mục tiêu của chiến lược là nhanh chóng phát hiện nguồn lây nhiễm; đánh giá vùng nguy cơ; khoanh vùng, cách ly kịp thời; điều trị sớm bệnh nhân; theo dõi diễn biến triệu chứng; đánh giá hiệu quả điều trị một số loại thuốc kháng virus; hạn chế bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong.

Bà Mai nhấn mạnh, nguyên tắc xét nghiệm quy mô diện rộng phải có trọng điểm theo đánh giá nguy cơ và phải lặp lại nhiều lần, tần suất lặp lại tuỳ theo vùng nguy cơ: “Tất cả vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao thì bắt buộc phải xét nghiệm lặp lại và bảo đảm vấn đề như Thủ tướng đã nhấn mạnh, là xét nghiệm không được chậm hơn tốc độ lây của virus, tức là những vùng này phải được xét nghiệm lặp lại trong vòng 48 tiếng”.

Bà Mai cũng chia sẻ, những địa phương có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao có thể áp dụng chiến lược này, tùy theo mức độ phụ thuộc vào nhân lực, vật lực, điều kiện thực tế của từng địa phương.

Dẫn chứng tại TP HCM, bà Mai nói, việc xét nghiệm từ 19/7 tới nay tại TP đã trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 (27/7-22/8), TP xét nghiệm trung bình hơn 45.000 mẫu mỗi ngày. Trong giai đoạn 3 (23/8 đến nay), sau khi có đánh giá và phân vùng nguy cơ, TP xét nghiệm diện rộng trung bình hơn với 354.000 mẫu mỗi ngày qua các phương cách khác nhau: Vùng nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm nhanh mẫu đơn, lặp lại sau 48 giờ; vùng nguy cơ vừa và ít nguy cơ xét nghiệm nhanh mẫu gộp hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp.

Từ số liệu dịch tễ trên cho thấy, trong giai đoạn 2 (không xét nghiệm diện rộng), số ca tử vong hằng ngày xu hướng tăng lên. Khi triển khai xét nghiệm diện rộng trong giai đoạn 3, phát hiện số ca dương tính lớn, những số ca tử vong bắt đầu có xu hướng giảm dần.

Bà Mai đề cập đến nhiều nguyên nhân của việc này như TP tăng cường năng lực y tế nên người bệnh được tiếp cận y tế sớm, điều trị ngay tại cấp xã nên giảm số ca chuyển nặng; nhiều trung tâm hồi sức, BV dã chiến được thành lập, hỗ trợ rất nhiều trong điều trị bệnh nhân nặng nên tỉ lệ tử vong giảm xuống…

Tuy nhiên, trên thực tế, số ca tử vong tập trung nhiều tại phân tầng 2 theo tháp 3 tầng điều trị COVID-19. Vì vậy, việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng cho phép phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là các trường hợp không hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng. Đồng thời, giúp việc quản lý, cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng và cung cấp gói chăm sóc y tế sớm hơn, hạn chế diễn biến nặng cho bệnh nhân, hạn chế số ca tử vong.

Trước một số ý kiến cho rằng chiến lược xét nghiệm diện rộng có thể gây lãng phí về nhân lực và vật lực trong phòng chống dịch, bà Mai cho rằng, trong chiến lược xét nghiệm này, có thể mất một đồng nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều đồng trong điều trị bệnh nhân.

Để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tất cả các đơn vị triển khai thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh, từ đó triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, đồng thời thực hiện chăm sóc điều trị người bệnh một cách phù hợp.

Hướng dẫn mới nhất (ngày 15/9) của Bộ Y tế về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội, tiếp tục nhấn mạnh, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch.

Cụ thể, đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện ngay các trường hợp mắc bệnh, cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm real-time RT-PCR.

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải bảo đảm trả kết quả trong thời gian 12 giờ.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm