Những ca trực ít người để ý
2 giờ sáng, tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, mọi thứ dường như đều chìm trong yên lặng. Đi ngang qua các phòng bệnh, người ta còn nghe thấy tiếng thở đều đều của một vài bệnh nhân. Chưa đầy nửa tiếng sau, sự yên lặng đã bị phá vỡ…
Một chị có bầu được 8 tháng lại lên cơn đau bụng quằn quại. Mặt tái nhợt, một tay bám giường, tay kia chị chống vào mạn sườn miết từng miết dài với hy vọng cơn đau giảm đi. Nhưng không được, nước mắt lăn dài, chị kêu bật lên thành tiếng.
Tiếp đó, người ta lại nghe thấy tiếng bước chân vội vã của bác sĩ trực. “Bệnh nhân lại lên cơn đau bụng à? Em nằm xuống anh xem nào. Đau chỗ này à? Đau như thế nào?”, bác sĩ trực vừa ấn tay vào bụng bệnh nhân, vừa hỏi.
Đoạn anh quay sang nói với người nhà: “Hình ảnh siêu âm chỉ thấy đài bể thận của bệnh nhân bị giãn, nguyên nhân là do thai chèn ép, ngoài ra không thấy gì bất thường. Nhưng bệnh nhân thai to, lại đang trong những tháng cuối mà cứ đau quằn quại từng cơn thế này… người nhà theo dõi thêm từ giờ đến sáng xem sao”.
Cơn đau qua đi, bệnh nhân thiu thiu ngủ, bác sĩ cũng rời về phòng trực sau khi đã hỏi han tình trạng sức khỏe của một vài bệnh nhân khác ở giường bên, mọi thứ lại rơi vào yên lặng. Nhưng chưa đầy một tiếng sau, người ta lại thấy bước chân vội vã của bác sĩ đi về phòng bệnh cuối hành lang…
Mồng hai Tết Nguyên đán, trong khi mọi người đang sum họp bên gia đình tổ chức ăn uống vui vẻ thì tại Khoa Cấp cứu của các bệnh viện, các bác sĩ lại đón năm mới bằng việc chạy đua với “tử thần” để giữ lại mạng sống cho người bệnh. Mọi người đón xuân bằng bia, rượu thì bác sĩ đón xuân bằng những giọt mồ hôi.
Trong tâm trạng hân hoan vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trực Tết mà Ban giám đốc bệnh viện giao, bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai hồ hởi chia sẻ: “Mồng hai Tết là “trận chiến khốc liệt” đầu tiên với gánh nặng bệnh tật của y, bác sĩ trực Khoa Cấp cứu A9 trong năm mới Đinh Dậu 2017.
Kể từ ngày mồng hai cho tới hôm nay, mặc dù số lượng bệnh nhân rất đông, bệnh nặng rất nhiều nhưng nhiều người bệnh đã dần hồi phục, đã vượt qua những cơn nguy kịch và thậm chí đã chiến thắng “tử thần”. Không như những năm về trước, khi mà Bệnh viện Bạch Mai chỉ có một số khoa tham gia trực cấp cứu và gánh nặng bệnh tật thường chủ yếu tập trung lên vai tập thể y, bác sĩ Khoa Cấp cứu A9, năm nay lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức cho y, bác sĩ trực Tết được tốt hơn rất nhiều, tất cả các khoa đều tham gia trực, khám và cấp cứu bệnh nhân vào viện. Do đó, đã hỗ trợ được rất nhiều cho Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được khám và điều trị nhanh chóng hơn, chất lượng hơn”.
Đấy! Thay vì phàn nàn vì phải trực Tết, các bác sĩ lại hân hoan, vui mừng vì đã hoàn thành việc trực Tết thành công, cứu sống được nhiều người bệnh. Niềm vui này mấy người để ý, thấu hiểu!
Xin đừng chỉ nhìn “bề nổi” để đánh giá
Trong xã hội hiện nay, bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào cũng đều có những mặt trái, những mặt tiêu cực, nhưng chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số những đóng góp cống hiến cho tiến trình phát triển của xã hội. Ngành Y cũng vậy, cũng tồn tại cả hai mặt tiêu cực và tích cực, nhưng vốn là ngành nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên hầu như mọi người chỉ nhìn vào ba phần nổi tiêu cực để đánh giá mà quên đi bảy phần chìm tích cực.
Những sự việc như bác sĩ cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim ở Đồng Nai, cứu sống bệnh nhân bị chém rách gan ở Hà Nội, cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng hộp sọ ở Long An, bác sĩ nhiều lần hiến máu cứu người, nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella… là những hoạt động nổi bật và nhiều vô kể của các y, bác sĩ ở khắp các tỉnh, thành, từ bệnh viện tuyến quận huyện đến bệnh viện tuyến trung ương.
Sau những thành công đó, mọi người đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục, ca tụng nhưng rồi khi chứng kiến một ca tai biến y khoa, một trường hợp điều dưỡng nhận phong bì, một cô nhân viên y tá nói chuyện điện thoại lâu để bệnh nhân phải chờ… là mọi người lại quên ngay những hình ảnh đẹp đẽ mới ca tụng lúc đầu.
Và nhất là những sự việc không đẹp ấy lại được mọi người nhớ rất lâu, qua hết năm này sang năm khác dù những sự việc ấy đã được giải quyết, xử lý thỏa đáng xong từ bao giờ. Còn những sự việc như bác sĩ bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung, bác sĩ bị lây bệnh từ bệnh nhân thì rất ít người hiểu và để ý đến. Thậm chí, chỉ vì bệnh nhân quá đông mà y, bác sĩ phải ưu tiên cấp cứu những trường hợp nặng trước nên nhiều người nhà bệnh nhân nhẹ hơn đã hành hung bác sĩ.
“Mọi người nên hiểu không phải bất cứ bệnh nhân nào, tình trạng bệnh nào cũng có những diễn tiến thuận lợi hoặc có thể cứu được, nhất là trong tình trạng quá tải tại các khoa cấp cứu. Các bạn đừng suy diễn hoặc đổ tiếng ác cho bác sĩ. Không ai có thể đứng nhìn, kể cả các bác sĩ, khi bệnh nhân nặng mà không cứu” - bác sĩ Lương Quốc Chính chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa mắt Hoàng Cương cũng đã từng bày tỏ: “Hành nghề y thật nghiệt ngã bởi vinh quang và cay đắng luôn ở rất gần nhau. Sự trả giá là khốc liệt, có khi lại tàn bạo hơn ta tưởng. “Sinh nghề tử nghiệp”, rất nhiều người đã kết thúc sự nghiệp tròn vẹn và vinh quang. Nhưng cũng thật buồn là có những người không thể chỉ vì mắc sai sót trong lúc hành nghề”. Do vậy, với bất cứ ngành nào, nhất là với ngành Y, mong mọi người đừng vơ đũa cả nắm mà hãy khen chê phân minh đúng mực để ngành Y biết sai mà sửa, còn làm tốt thì cứ kế thừa và phát huy. Như thế ngành Y mới tốt lên được.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin được cảm ơn những vị lương y từ mẫu đã bền bỉ cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân./.