“Chiến trường” của đàn ông

 Không phải ái tình, mà công việc mới chính là “chiến trường” thực sự của đàn ông. Đó là “cuộc chiến đấu” suốt đời không ngừng nghỉ và đầy tính cạnh tranh.
Không phải ái tình, mà công việc mới chính là “chiến trường” thực sự của đàn ông. Đó là “cuộc chiến đấu” suốt đời không ngừng nghỉ và đầy tính cạnh tranh.

Khang Hy hoàng đế, triều nhà Thanh (Trung Hoa), đến lúc chết vẫn cầm trong tay chiếc bút lông phê duyệt tấu sớ. Thời Tam quốc, Khổng Minh Gia Cát Lượng, Thừa tướng nước Thục có quy định phạt quân lính từ 10 roi trở lên, phải được ông phê duyệt. Tất nhiên, đó đều là những tấm lòng trung trinh vì nước, nhưng nó cũng chứng minh sự đam mê quyền lực.

Với đàn ông, công việc và quyền lực là hai mặt của một tờ giấy. Tần Thủy Hoàng có tới hơn ba ngàn mỹ nữ, cung tần, nhưng một ngày vẫn duyệt tới 120 kg tấu sớ. Bill Gates dù đã có trong tay hàng tỉ USD, nhưng một ngày vẫn làm việc đến mười mấy giờ đồng hồ. Điều đó chứng tỏ được vai trò của công danh sự nghiệp trong cuộc sống của những người đàn ông.

Có người đã nói vui rằng, trong từ điển Tiếng Việt, đàn ông ghét nhất hai từ “nghỉ hưu”. Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của nam muộn hơn nữ, đó là sự ưu tiên nữ giới, song chẳng nam giới nào phiền lòng về sự ưu tiên này, vì họ không muốn bị tách ra khỏi công việc. Hầu hết đàn ông đã nghỉ hưu đều mong muốn được đi làm, không hẳn là vì tiền mà nhiều người vẫn muốn tiếp tục được khẳng định mình qua công việc?.

Cũng có người ví von rằng không gì buồn bằng cái cảnh người đàn ông về hưu ngày ba bữa ngồi co chân trên giường đọc báo và chờ cơm vợ. Càng không gì buồn hơn cảnh chồng đã về hưu mà vợ còn đi làm. Cảm giác mình thành người thừa có thể hành hạ người đàn ông đến mất ăn, mất ngủ. Vì thế, đàn ông không khoe sự nhàn rỗi mà khoe sự bận rộn. Khi người chồng nói: “Anh bận quá!” thì không phải là anh ta đang than thở mà là anh đang... khoe!

Nỗi sợ lớn nhất của đàn ông là bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, lúc đó vị trí xã hội của họ không được thừa nhận nữa. Do đó, đàn ông phấn đấu không mệt mỏi để khẳng định vị thế của mình, không làm sếp thì cũng là người có học vị cao, trí tuệ uyên bác hoặc chuyên môn giỏi. Anh lười biếng một chút, anh lơi lỏng một chút, anh bất cẩn một chút, là lập tức có người vượt lên và bỏ lại anh phía sau. Biển học mênh mông, phấn đấu để nâng cao năng lực là việc phải làm suốt đời, phải học suốt đời. Khổng Tử viết “Lộc tại học kỳ trung đã” (lộc có trong sự khổ học).

Một bác sĩ suốt ngày không thể rời bàn mổ, chứng tỏ anh ta có tài và bệnh viện không thể thiếu anh ta. Đó là “quyền lực” bất biến của anh ta, cho dù anh ta không là giám đốc, trưởng khoa gì cả. Chức tước cũng làm nên quyền lực nhưng đó là thứ quyền lực dị biến, mất chức là hết quyền lực. Xuất sắc trong lĩnh vực mình đeo đuổi, ấy cũng là người thành đạt. Không ai nói rằng Ronaldo “béo”, Zidan hay Baggio - những danh thủ đã giải nghệ là những người không thành đạt.

Bây giờ, người ta vẫn hay đánh giá quyền lực của đàn ông qua nấc thang danh vọng, qua ngôi nhà anh ta đang ở, qua chiếc ô tô anh ta đang đi, mà nếu không làm việc cật lực thì đàn ông không thể có. Sự lựa chọn của người khác giới càng làm cho ước mơ quyền lực của đàn ông mãnh liệt hơn. Một điều tra xã hội học ở Pháp cho thấy 70,06% phụ nữ đặt điều kiện đầu tiên để lựa chọn người bạn đời là sự thành đạt, sau đó mới là sự dịu dàng, sự từng trải...

Đằng sau mỗi thành công của một người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ. Công việc đối với đàn ông là tối quan trọng cho nên người vợ nào biết chia sẻ, cô ta sẽ là người không thể thiếu. Ngược lại, người phụ nữ sẽ là nỗi khó chịu nếu họ không biết chồng đang nghĩ gì, làm gì.

Một người phụ nữ kiếm được một tấm chồng đam mê công việc là một niềm hạnh phúc. Xin hãy yêu thương họ hết mình, vì tình yêu của người phụ nữ là ngọn lửa sống của người đàn ông. Có ngọn lửa ấy, người đàn ông sẽ lao vào công việc với một bầu nhiệt huyết sục sôi và nhờ thế, mà họ càng thành công trong cuộc đời.

Thu Hồng

Đọc thêm