Chiêu bài thuốc lá điện tử không nicotine 'che mắt' giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Sự đa dạng quá mức của sản phẩm, các loại hương vị khác nhau với nhiều nguy cơ sức khoẻ chưa được biết đến, nguy cơ trộn lẫn ma tuý tổng hợp, ngành công nghiệp thuốc lá tìm mọi cách can thiệp vào chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá như: Lách luật quảng cáo, kẽ hở định nghĩa sản phẩm; Sử dụng chiêu bài thuốc lá điện tử không nicotine để che mắt... là những thách thức từ thuốc lá điện tử tại Việt Nam. 

Thuốc lá điện tử được quảng cáo không nicotine rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Thuốc lá điện tử được quảng cáo không nicotine rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Gánh nặng do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam

Theo thống kế của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Về gánh nặng về kinh tế, ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020 cho thấy, Việt Nam tốn khoảng 49.000 tỷ VNĐ/năm để mua thuốc lá. Còn theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Bên cạnh thuốc lá thông thường, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng: Tỷ lệ sử dụng sản phẩm này trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này cũng tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Quốc hội nước ta đã thông qua 2 đạo luật quan trọng là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Việt Nam đã tham gia công ước Khung về kiểm soát thuốc lá từ rất sớm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 với 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quy định.

"Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ chăm lo, chú trọng đến sức khoẻ của người dân.

Hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, đã tiếp cận giới trẻ và dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới", bà Thủy nêu.

Đánh thuế thuốc lá điện tử chính là cấp phép cho ma túy

Vào năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc nêu dẫn chứng về một trường hợp nam sinh 20 tuổi tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương tim, não. Mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút khi xét nghiệm cho kết quả thấy cần sa tổng hợp.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới hoàn toàn có hại cho sức khỏe; mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát. Đồng thời gây ra loạt bệnh tật mới, các vấn đề y tế khổng lồ, làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống, phức tạp và nặng thêm về vấn đề ma túy... Do đó, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cấp phép, đánh thuế thuốc lá điện tử chính là cấp phép cho ma túy.

"Tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử mà cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam", TS Nguyên kiến nghị.

Cần cấm toàn diện thuốc lá mới trước khi việc sử dụng phổ biến hơn

Cho rằng việc quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vô cùng khó, Ths. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam chỉ ra hàng loạt các thách thức trong kiểm soát sản phẩm này như: Sự đa dạng quá mức của sản phẩm; Các loại hương vị khác nhau với nhiều nguy cơ sức khoẻ chưa được biết đến; Nguy cơ trộn lẫn ma tuý tổng hợp; Ngành công nghiệp thuốc lá tìm mọi cách can thiệp vào chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá như: Lách luật quảng cáo, kẽ hở định nghĩa sản phẩm; Tung ra nhiều hình thức khuyến mại khi mua thiết bị hoặc tặng tiền cho người giới thiệu người mua thiết bị; Sử dụng chiêu bài thuốc lá điện tử không nicotine để che mắt;...

Theo WHO, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

Do đó, WHO khuyến nghị: Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các qui định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi luật Phòng chống tác hại của Thuốc lá.

Còn theo Ths.BS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: "Nếu chậm trễ trong việc chờ Luật cấm thuốc lá mới thì đã có rất nhiều người đã hút, trong khi đó có gần 700 loại ma túy chưa có mẫu để thử. Bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, mọi lợi ích về kinh tế không thể kéo lại tổn hại về sức khỏe. Để bảo vệ thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn".

Đọc thêm