Chính sách ban hành nhanh
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã dẫn ra báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại phiên khai mạc cho biết, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị định 67/NĐ-CP đến nay chỉ mới có 2 tàu đóng mới và giải ngân xong (1 tàu ở Bến Tre, 1 tàu ở Thừa Thiên Huế).
Mấy ngày gần đây, báo chí nêu thêm một số tàu của Ninh Thuận cũng được giải ngân. Vì thế, ông Học đặt vấn đề: “Vì sao một chủ trương khi Quốc hội bàn và thống nhất thì nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm?”. Vấn đề này cũng là băn khoăn chung của nhiều Đại biểu trong các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.
Giải trình tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, ngày 9/6/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng cho phát triển biển đảo, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu, bám biển. Gần 1 tháng sau Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. “Như vậy, có thể thấy rằng chính sách ban hành rất nhanh…”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, các chính sách của Nghị định 67/NĐ-CP được thực hiện khá đồng bộ và toàn diện, từ đầu tư hạ tầng cảng cá, các khu lưu trú, neo đậu tàu thuyền, phát triển hạ tầng nghề cá, cho vay vốn đóng tàu...
Đặc biệt, theo Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ cho vay vốn từ 90-95% giá trị con tàu. Lãi suất 7-9%/năm, nhưng chủ tàu chỉ trả từ 1-2% lãi suất, phần còn lại Nhà nước hỗ trợ. Người vay vốn không phải thế chấp tài sản khác mà thế chấp bằng chính giá trị con tàu...
Triển khai không quá chậm
Tính đến ngày 21/5, tại 28 địa phương triển khai Nghị định 67 đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 648 con tàu. Trong số này, tàu vỏ thép, tàu công suất lớn chiếm xấp xỉ gần 60%. “Chính sách đi đúng hướng vì người dân đăng ký đóng nhiều tàu vỏ thép, tàu công suất lớn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu với tổng số tiền là 525 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng. Thông thường, thời gian đóng một con tàu vỏ thép khoảng gần 1 năm. “Tôi cho rằng triển khai Nghị định 67 như vậy không phải quá chậm. Bởi Nghị định ban hành tới nay mới 9 tháng, nhưng 10 con tàu giải ngân trên 50% và 2 tàu đã giải ngân xong”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ cũng thảo luận về vấn đề này, trong đó Chính phủ sẽ điều chỉnh Nghị định 67 theo hướng cho phép giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới vì giá trị loại tàu này đắt hơn tàu vỏ gỗ… Tới đây cũng sẽ điều chỉnh chính sách này và những ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu sẽ được Chính phủ tiếp thu.
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình cho vay như: mẫu tàu chưa phù hợp, việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện thụ hưởng chính sách tại Nghị định 67 của các địa phương còn chậm, ngư dân không đủ vốn đối ứng...
Hiện, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục tiếp cận với các khách hàng trong danh sách đã được UBND các địa phương phê duyệt để thẩm định, ký kết hợp đồng và giải ngân cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chủ động tiếp cận trước những khách hàng có nhu cầu đóng mới tàu để giảm bớt thời gian thẩm định cho vay sau khi được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Báo cáo Kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 31 tàu (28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp) với tổng số tiền là 271,01 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm, tài sản bảo đảm là chính con tàu đóng mới được hình thành từ vốn vay; mức cho vay đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của khách hàng từ 60-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới con tàu; dư nợ cho vay đạt trên 70 tỷ đồng.