Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bám biển

(PLO) - Đó là nội dung chính của Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết việc thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản được tổ chức sáng qua (24/4) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Ngư dân cùng con tàu đầu tiên được đóng bằng tiền vay theo Nghị định 67
Ngư dân cùng con tàu đầu tiên được đóng bằng tiền vay theo Nghị định 67
Theo các địa phương, Trung ương cần phải có những giải pháp gỡ vướng cho quá trình triển khai Nghị định, cả về nguồn vốn và những thủ tục thực hiện.
Cả dân và chính quyền đều lúng túng 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, khó khăn lớn nhất khiến Nghị định 67 chậm triển khai là các địa phương, ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu. 
Vì thế, một số địa phương còn chờ đợi kết quả triển khai của địa phương khác để rút kinh nghiệm. Trong khi đó, trình độ của ngư dân còn hạn chế, khó tiếp cận và hiểu được các chính sách để đáp ứng.
Ngoài ra, các địa phương chỉ tập trung vào khai thác tín dụng vay vốn đóng tàu mà chưa quan tâm triển khai đồng bộ các nhóm chính sách khác như chính sách đầu tư, thuế, bảo hiểm, vốn lưu động... Nhưng một số chính sách về tín dụng vẫn còn nhiều cản trở, cần nhiều thủ tục khiến địa phương khó triển khai.
Cùng với đó là những vướng mắc ngay trong vấn đề thiết kế mẫu tàu, các quy định về đóng mới, nâng cấp tàu, các cơ sở đóng sửa tàu cá đủ điều kiện lại phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền; chính sách bảo hiểm cũng chậm được thực hiện do việc thành lập tổ, đội hợp tác ở địa phương còn chậm…
Cập nhật thường xuyên để gỡ vướng cho ngư dân
Do vậy, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cho phép ngư dân đã có tàu công suất từ 400CV trở lên được vay vốn mua ngư lưới cụ, thiết bị khai thác, gia cố vỏ tàu mà không bắt buộc phải thay máy mới; việc điều chỉnh thiết kế tàu đánh cá phù hợp với tập quán của bà con cần được đẩy nhanh hơn; hay cần có quy định về việc nhập khẩu, sử dụng máy cũ cho tàu cá... 
Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ bố trí ngân sách trung hạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá đúng quy định, tập trung đầu tư hạ tầng cho 5 trung tâm nghề cá lớn tại 5 vùng gắn với các ngư trường trọng điểm.
Nhằm đảm bảo Nghị định 67 nhanh chóng được triển khai đầy đủ, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, đối với khó khăn về nguồn vốn triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tìm nguồn vốn để tăng vốn đầu tư cho hạ tầng ngành thủy sản và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho hạ tầng ngành thủy sản. “Đặc biệt, trong kế hoạch trung hạn từ 2016 - 2020, dứt khoát phải ưu tiên cho lĩnh vực này” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất hoán cải nâng cấp tàu của một số địa phương và lưu ý, với những điều chỉnh nhỏ về thiết kế tàu không ảnh hưởng tới an toàn thì ủy quyền địa phương điều chỉnh và phải chịu trách nhiệm về thiết kế này. Còn điều chỉnh lớn thì vẫn phải thông qua Bộ NN&PTNT để đảm bảo an toàn cho ngư dân. 
Nhấn mạnh phải “khoan thứ sức dân” khi áp dụng chính sách tín dụng cho ngư dân, Phó Thủ tướng đồng tình với nguyên tắc trả vốn đối ứng theo tiến độ, hoặc chia ra 3, 4 lần và khẳng định “sẽ kiến nghị Chính phủ nới thời gian trả nợ giúp ngư dân”. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng thương mại đảm bảo có người hướng dẫn thủ tục cấp tín dụng cho người dân được kịp thời, không để kéo dài vì thiếu hồ sơ.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện 22 tỉnh, thành phố (trong tổng số 28 địa phương thực hiện Nghị định số 67) phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Số tàu cá vỏ thép đóng mới đạt 50% và số tàu có tổng công suất máy từ 800CV trở lên chiếm 60% tổng số tàu được phê duyệt. Cụ thể, số tàu đăng ký đóng mới là 602 chiếc có công suất từ 400CV trở lên. Trong đó có 305 chiếc tàu vỏ gỗ, 245 chiếc vỏ thép, còn lại dùng vật liệu mới. Số tàu nâng cấp theo ưu đãi của Nghị định 67 thì ít hơn với 77 chiếc.
Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 28 tàu với tổng số tiền là 243,31 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm. Tùy theo nhu cầu khách hàng, mức cho vay chiếm từ 60-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu. 
Dư nợ hiện khoảng 67 tỷ đồng. 21/28 tỉnh phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số phí bảo hiểm khoảng 2.700 tỷ đồng. Hiện đã xảy ra 2 vụ tổn thất tàu cá, với thiệt hại ước tính khoảng 8 tỷ đồng đang được các đơn vị bảo hiểm xem xét, bồi thường.

Đọc thêm