Theo Dự thảo Nghị quyết phát triển doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ bàn bạc trong phiên họp hôm nay, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
Trong đó, Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định: Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế…
Về giải pháp tháo dỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra rõ những biện pháp cụ thể như lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải hằng quý đối thoại với doanh nghiệp. Các địa phương thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố...
Dự thảo Nghị quyết cũng chỉ rõ: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương liên quan rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, báo cáo Chính phủ trong quý IV/2016.
Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết, cho rằng dự thảo đã đưa ra được các việc cần làm ngay để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đánh giá đây như một lời hiệu triệu, tạo niềm tin vào doanh nghiệp, lực lượng tiên phong phát triển kinh tế.
Đa số ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng đã đồng ý với Dự thảo Nghị quyết, mong muốn doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh, góp phần cho công cuộc xây dựng dân giàu nước mạnh.
Trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành.
Thủ tướng đề nghị Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp mà chúng ta đã công bố với doanh nghiệp, là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ./.