Chính phủ đánh giá về nền kinh tế: Nhiều tín hiệu lạc quan!

 

Trong tháng 3 và ba tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, đem lại nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế...
 

[links()] Tại họp phiên thường kỳ tháng 3 (2 ngày 31/3 - 1/4), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã nhất trí đánh giá, “trong tháng 3 và ba tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, đem lại nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế...”.

GDP ước tăng 4%
Với GDP quý I/2012 ước tăng 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo từng tháng trong quý I/2012, tăng 23,6% so với quý I/2011. Xuất khẩu gạo đã cải thiện đáng kể, quý I/2012 đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn và đang có thêm nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản; số DN thành lập mới lớn hơn số DN giải thể và đăng ký ngừng hoạt động (số DN thành lập mới trên 15.300 doanh nghiệp, trong khi đó số DN đã làm thủ tục giải thể là trên 2.200 DN và có trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế).. đã cho thấy những sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng của Chính phủ, nỗ lực không ngừng để khắc phục tình hình kinh tế khó khăn của cộng đồng DN và xã hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,16% - là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua. Nhờ nỗ lực của NHNN để bình ổn tiền tệ, tín dụng, đưa thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước chuyển tích cực Trong ba tháng đầu năm 2012, đã tạo việc làm cho khoảng 341.400 người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt 18.500 người. Các chính sách an sinh xã hội, công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, lây truyền dịch bệnh trên người... cũng đã được tích cực triển khai.
Chú trọng tăng trưởng hợp lý
Tuy vậy, những kết quả nêu trên chưa đủ sức để vượt qua những khó khăn của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhiều DN phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể; dịch bệnh gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng, lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn...
Chính phủ cho rằng, thời gian tới, ngoài nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn. 
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số, đồng thời bảo đảm được tăng trưởng ở mức hợp hợp lý (khoảng 6%); tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có các giải pháp xử lý hiệu quả; hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát; giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại của nền kinh tế để phục vụ cho phát triển…

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng:

Không có chuyện năm nay thu phí

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ sáng qua - 1/4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định: "Không có chuyện năm nay thu phí. Kể cả chúng tôi đề xuất thì năm nay chưa thể thực hiện vì cần phải có quy trình, thời gian nhất định”.

Bộ trưởng GTVT cho biết, đề án điều chỉnh dự kiến đối tượng thu phí khoảng 600.000 ô tô là xe cá nhân. Đối với xe máy, đề án đề xuất chỉ thu phí tại 5 TP gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và chỉ thu phí khi phương tiện lưu hành trong nội đô; riêng người nghèo sẽ được miễn phí. Thu phí xe máy sẽ giao cho HĐND quyết định mức thu.

Đối với ô tô cá nhân, đề án đã chỉnh sửa mức thu dự kiến linh hoạt, chia nhỏ, áp từ 10 triệu cho xe 1 chấm, từ trên 1-1.5 chấm mức 15 triệu, trên 1.5 - 2 chấm áp 20 triệu, trên 2-2.5 chấm áp 25 triệu... Bộ dự kiến thu từ 12 đến 15 nghìn tỷ và tiền được sử dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông. H.G

Huy Anh

Đọc thêm