Chính phủ đề nghị tăng thuế 15 loại tài nguyên

Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất đối với 15 loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại (sắt, titan, vàng, vonfram và antinmon, đồng, niken, bô xít, thiếc) và nhóm khoáng sản không kim loại (đá, sỏi, cát, đất làm gạch, nước thiên nhiên) với mức tăng 1-8% so với thuế suất hiện hành.

Hôm qua (21/8), trước khi kết thúc phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên và Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009-2013 và đề xuất phương án cơ chế quản lý và biên chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.

Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất đối với 15 loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại (sắt, titan, vàng, vonfram và antinmon, đồng, niken, bô xít, thiếc) và nhóm khoáng sản không kim loại (đá, sỏi, cát, đất làm gạch, nước thiên nhiên) với mức tăng 1-8% so với thuế suất hiện hành.

Đá là một trong 15 loại tài nguyên được Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất. Ảnh minh họa
Đá là một trong 15 loại tài nguyên được Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trong số 54 nhóm, loại tài nguyên thì Chính phủ chỉ đề nghị tăng thuế suất đối với 15 loại là chưa bao quát toàn diện phạm vi, đối tượng cần điều chỉnh. Căn cứ, tiêu chí điều chỉnh thuế suất của 15 loại tài nguyên cũng chưa thật rõ ràng.

Tờ trình chủ yếu mới chỉ dừng ở việc đề xuất nâng thuế suất đối với một số loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại. Một số loại tài nguyên không tái tạo, trữ lượng thấp, dự báo nhu cầu sử dụng trong tương lai lớn (bạch kim, bạc, thiếc, đá vôi trắng,…), đang khai thác quy mô lớn, xuất khẩu thô nhưng Chính phủ chưa làm rõ lý do không đề xuất tăng thuế. Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình thêm về các căn cứ ban hành chính sách.

Riêng về mặt bằng thuế suất, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thuế suất đối với một số tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, không tái tạo được điều chỉnh tăng với mức tăng không lớn, còn khoảng cách khá xa so với mức trần của khung thuế suất. Trong bối cảnh trữ lượng tài nguyên còn lại ít, công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu, giá thành cao, giá trị gia tăng khi xuất khẩu thấp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công tác quản lý còn nhiều bất cập...

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài nguyên và ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình khai thác, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản trong thời gian qua và xem xét, nâng hợp lý thuế suất đối với một số tài nguyên lên cao hơn mức thuế suất thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc tăng thuế vẫn nằm trong giới hạn cho phép và vẫn còn thấp so với khu vực. Ông cũng lưu ý, “khi điểu chỉnh biểu thuế, không nên chỉ nhìn vào lợi ích cá nhân, lợi ích một bộ phận mà phải nhìn vào lợi ích chung, lợi ích quốc gia. Vì thế, cần có chính sách vĩ mô theo hướng hạn chế khai thác để bảo vệ nguồn tài nguyên”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng gặp nhiều thách thức. Do đó, cần tính đến mức thuế suất đề nghị tăng và lộ trình cho thích hợp. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu “ngoài đảm bảo hài hòa lợi ích, việc tăng thuế suất phải hướng đến mục tiêu cao nhất là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu rõ, quan điểm là không khuyến khích khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô. Tuy nhiên, việc tăng mức thuế suất tài nguyên là vấn đề quan trọng, có tác động lớn nên cần nghiên cứu kỹ.

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Bộ “bó tay”?

Chiều 20/8, trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, khối lượng còn lại cần cấp Giấy chứng nhận các loại đất chính trong năm 2013 của cả nước vẫn còn nhiều. Tính đến ngày 30/6/2013, cả nước đã cấp được 36 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước, tăng 2,0% so với năm 2012.

Đến nay, cả nước mới có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85-100 % diện tích); 10 tỉnh khác cơ bản hoàn thành ở hầu hết các loại đất, song cũng còn nhiều tỉnh, thành phố có kết quả cấp giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp (dưới 70% diện tích cần cấp), số lượng tồn đọng tập trung chủ yếu ở 18 tỉnh có nhiều khó khăn, không cân đối đủ ngân sách để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Chính phủ hết sức quan tâm và đã có chỉ thị đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận thấp để đánh giá tình hình và quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy; đã cử các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Chúng tôi rất lo lắng về tiến độ cấp giấy chứng nhận, cuối năm nay không đạt thì rất gay go. Tuy nhiên, việc cụ thể thực hiện tại địa phương, nếu địa phương không quyết tâm thì Bộ cũng không có cách nào”.

Thu Hằng 

Đọc thêm