Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít.
Như vậy, các mặt hàng trên đều được Chính phủ đề xuất tăng lên mức kịch trần theo khung cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tính toán, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỷ đồng một năm từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu này.
Với phương án điều chỉnh dự kiến từ 1/7, theo tính toán, việc tăng thuế môi trường có thể tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6) khoảng 0,27-0,29% và tác động 0,11-0,15% đến CPI bình quân cả năm 2018. Mặc dù vậy, theo tờ trình, việc tăng thuế này sẽ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5, dầu diesel B10, túi nilon thân thiện hơn.