Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

(PLVN) - Sáng 15/5, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, thời gian qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Về xu hướng phát triển, báo cáo của Chính phủ nhận định: Quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế; gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó dự báo tình hình với sự rà soát, tính toán các cân đối lớn, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới. Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Do đó, báo cáo cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Đọc thêm