Ngày mai (4/12), Hội nghị trực tuyến tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện sẽ được tổ chức. Đây là một nỗ lực của Chính phủ trong việc góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Chậm trả kết quả, lãnh đạo phải xin lỗi
Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 93/2007/QĐ-TTg về Ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Thực hiện đề án này, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại 203 huyện (trên tổng số 699 quận huyện, thị xã, thành phố) đã được xây dựng theo mô hình chuẩn; được áp dụng thống nhất phần mềm điện tử dùng chung tại bộ phận "một cửa" để tra cứu thông tin như thủ tục hành chính, trạng thái hồ sơ...
Các lĩnh vực công việc giải quyết tại bộ phận "một cửa" phổ biến là xây dựng, tài nguyên-môi trường, tư pháp, đăng ký kinh doanh, công thương, nông nghiệp, tư pháp, lao động-thương binh-xã hội, giáo dục-đào tạo… Năm 2011, bộ phận "một cửa" cấp huyện có số giao dịch lớn nhất là huyện Bến Lức ( tỉnh Long An) với gần 113.000 giao dịch còn thấp nhất là huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) với gần 650 giao dịch.
Hiện chưa có cuộc điều tra, khảo sát độc lập nào đánh giá chất lượng phục vụ và sự hài lòng của công dân, tổ chức đối với bộ phận "một cửa" cấp huyện trước và sau khi triển khai theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Nội vụ, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc.
Tín hiệu tích cực
Tại Đà Nẵng, sau 5 năm triển khai thực hiện đã có những thay đổi rõ rệt, rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại 100% đơn vị quận huyện được bố trí rộng rãi với diện tích bình quân từ 120m2 trở lên, đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin và điện tử chuyên dụng; hệ thống tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ qua tin nhắn SMS... tạo ra diện mạo mới của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các quận, huyện, đem đến sự thuận tiện cho công dân, tổ chức khi tiếp xúc và giao dịch hành chính.
Đặc biệt, Công an thành phố Đà Nẵng và Cục Thuế đã phối hợp với UBND các quận, huyện bố trí cán bộ làm việc tập trung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận, huyện để thực hiện các thủ tục hành chính về hộ khẩu, chứng minh nhân dân và xác định nghĩa vụ tài chính trên lĩnh vực đất đai; tập trung đầu mối tạo thuận lợi hơn cho người dân và tăng cường việc kiểm soát trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính tại quận, huyện.
Tại Nghệ An, hiện có 22/25 sở, ngành; tất cả 20 huyện, thành phố, thị xã và 456/479 đơn vị cấp xã đang thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, tính đến nay, tỉnh này có 07/07 đơn vị cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, Bộ phận một cửa được đặt tại UBND cấp huyện, có 5 đơn vị đã bố trí Bộ phận “một cửa” riêng và 2 đơn vị còn lại đang có kế hoạch xây dựng để đưa vào hoạt động theo hướng một cửa hiện đại, có diện tích đúng quy định và được trang bị các thiết bị cần thiết, giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, chính xác đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công việc.
Tuy chưa thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại nhưng UBND tỉnh đang tích cực hoàn chỉnh văn bản triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại 07/07 đơn vị cấp huyện.
Chưa hết khó khăn
Tuy nhiên, phản ánh của nhiều địa phương, cho thấy, thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn hạn chế, nhân dân chưa giám sát chặt chẽ được quá trình giải quyết công việc. Một số nơi, chất lượng giải quyết công việc chưa cao, việc trả kết quả giải quyết còn chậm; còn có hiện tượng không tuân thủ quy trình. Trong khi đó, một số chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa thật sự đồng bộ, tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là thủ tục hành chính. Đặc biệt, không ít thủ tục hành chính trong đất đai, xây dựng, hộ tịch … chưa đồng bộ, gây khó khăn không ít cho những người trực tiếp làm tại bộ phận này.
Chính vì vậy, để nhân rộng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại UBND cấp huyện trong thời gian tới, không chỉ cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trực tiếp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả mà còn cần có sự hỗ trợ đắc lực từ việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và nhất là việc rà soát để giảm sự chồng chéo, mâu thuẫn của các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực liên quan…
Tính đến tháng 5/2011, đa số các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, đối với cấp huyện, có 686 trên tổng số 697 đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 98,5%. Ở cấp tỉnh, có trên 1.106 trên tổng số 1.252 đơn vị (các sở, ban, ngành) đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 88,3%. Hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho Đề án hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng hiện đại hóa tại UBND cấp huyện giai đoạn 2012-2015. |
Lan Phương