Chính phủ Pháp và chiến lược cải tổ tình trạng “mỏi mòn chờ bác sĩ”

(PLO) - Tại Pháp, người bệnh cũng cần kiên nhẫn. Ngồi chờ đến lượt ở phòng khám tư nhân hay bệnh viện, may mắn thì 15-20 phút, thậm chí 40 phút hoặc hơn một giờ là chuyện bình thường dù đã có hẹn trước. Nhưng để có được một cuộc hẹn là cả nhiều ngày chờ đằng đẵng, cần có đủ kiên nhẫn và đặc biệt không được quên ngày hẹn.
Hình minh họa

Chờ 97 ngày để gặp bác sĩ mắt

Pháp có hệ thống chăm sóc y tế, cùng với đội ngũ y - bác sĩ được đánh giá có chuyên môn cao, tận tình, nhưng cũng đang bị quá tải. Nếu như cần trung bình từ 2 đến 6 ngày để có được một cuộc hẹn với bác sĩ đa khoa, số ngày chờ tăng lên gấp 10, thậm chí gấp 15-20 lần để lấy hẹn được với một số bác sĩ chuyên khoa : 50 ngày với một bác sĩ tim mạch, 60 ngày với một bác sĩ da liễu, 80 ngày với một bác sĩ mắt…

Đây là thống kê được nêu trong bản báo cáo ngày 8/10/2018 của Drees (Cơ quan Nghiên cứu, Thẩm định và Dữ liệu), trực thuộc Bộ Y tế Pháp. Bản báo cáo cho thấy sự chênh lệch rất lớn về khả năng tiếp cận với chăm sóc y tế, sự bất cân bằng giữa đô thị và vùng xa, được nhật báo Bản báo cáo được đánh giá là “Một nước Pháp với nhiều tốc độ”.

Có nghĩa là những nơi có mật độ bác sĩ (hoạt động độc lập) ít hơn thì thời gian chờ càng lâu hơn. Ví dụ, tại Paris và các vùng phụ cận, thời gian để có được một cuộc hẹn với bác sĩ mắt là khoảng 29 ngày, nhưng ở những đô thị nhỏ hơn thì phải chờ đến… 97 ngày. 

Tuy nhiên, phần lớn người Pháp hài lòng về thời gian chờ đợi vì họ thường lên lịch cho lần hẹn khám tiếp theo. Hai chuyên ngành, khoa mắt và da liễu, bị gần nửa người dân Pháp đánh giá là thời gian chờ “quá lâu”. Ở một số tỉnh, như Orne (tây bắc nước Pháp), chỉ còn hai bác sĩ da liễu. Bệnh nhân phải đi gần 50 - 60 km để khám bệnh. 

Dựa vào số liệu mới của Bộ Y tế Pháp, một tờ báo đã lập bản đồ hơn 11.300 “địa điểm thiếu hụt chăm sóc y tế” (chiếm gần 1/3 số địa phương của Pháp) ; gần 20% người dân Pháp sống trong những vùng như vậy.

Một bác sĩ nha khoa làm việc tại một phòng khám nha khoa ở thành phố Châtillon (ngoại ô Paris), giải thích một số lý do khiến vùng xa xôi, hoặc địa phương có ít dân cư, không hấp dẫn các bác sĩ trẻ:

“Hiện nay, các bác sĩ ngày càng ít chấp nhận luôn sẵn sàng cả ngày, trái với các vùng được cho là xa xôi, nơi mà bác sĩ không được nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn phải kể đến thiếu vắng trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Vì thế, các bác sĩ và gia đình họ không thích đến sống ở các vùng hẻo lánh mà không có dịch vụ.

Một bác sĩ thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động ở vùng nông thôn, ví dụ như sức hấp dẫn, quá tải về giấy tờ hành chính, thu nhập ít hơn. Bác sĩ trẻ hiện nay không muốn đi theo thế hệ trước, làm việc một mình, không thư ký, luôn sẵn sàng từ sáng đến tối. Khi một phòng khám cần nhượng lại, được trang bị đầy đủ và có một thư kí, thì phòng khám đó dễ tìm được bác sĩ chấp nhận mua lại. 

Ở những vùng xa xôi, không dễ dàng gì để các bác sĩ trẻ sống và làm việc. Vì vậy, ở đó thường có các nhà chăm sóc y tế. Hoàn cảnh của các bác sĩ cũng khó khăn với các bó buộc ngày càng nhiều. Khi một bác sĩ quen biết mọi người thì rất khó đặt ra được giới hạn. Mọi người đến tận nhà tìm bác sĩ, kể cả vào Chủ nhật”.

Nhân viên ngành y xuống đường biểu thị thái độ với một chính sách về y tế của chính phủ Pháp

Điều ngạc nhiên là ngay cả một số thành phố ngoại ô Paris cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt chăm sóc y tế. Ngày 18/09, khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh : “Những khu vực thiếu hụt chăm sóc y tế không chỉ nằm ở nông thôn, mà còn nằm trong những khu đô thị gần các thành phố lớn, trong các khu phố nghèo khó nhất”.

Nguyên nhân đầu tiên, được nêu trong báo cáo của Drees năm 2017, là số bác sĩ đa khoa hành nghề độc lập tại các phòng khám ngày càng ít đi kể từ năm 2010, trong đó gần một nửa đã ngoài 60 tuổi. Tình hình này sẽ chưa được cải thiện trước năm năm 2025.

Bác sĩ trẻ ngại về nông thôn và vùng hẻo lánh

Thực vậy, rất nhiều bác sĩ trẻ không thích làm việc kiểu biệt lập, đặc biệt là ở vùng nông thôn, theo giải thích của bác sĩ đa khoa Jean-Paul Hamon ở thành phố Clamart. Một bác sĩ khác cùng nhận định:

“Sinh viên ngành Y thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn. Họ gần như thường sống, hoặc thậm chí toàn sống ở thành phố. Vì thế, trừ khi có cảm tình rất mạnh mẽ với một vùng nào đó, thì việc đến sống và làm việc ở khu vực nông thôn, hẻo lánh có thể là sự tách rời khỏi môi trường cũ của họ. Sống ở nông thôn không phải là sống với ít người xung quanh hơn. Việc này đòi hỏi sự thích nghi. Rất nhiều người thành phố từng thử về nông thôn và bị vỡ mộng sau khi ấp ủ nhiều hy vọng lãng mạn nhưng phi thực tế. 

Hơn nữa, trong số các bác sĩ trẻ, có đến 60% là phụ nữ. Thường thì họ tình nguyện làm nhân viên với thời gian làm việc hạn chế hơn, điều mà chỉ có thể thấy ở những thành phố lớn. 

Phần lớn sinh viên mong muốn được làm việc theo nhóm hoặc trong một cơ cấu. Vì họ có cơ hội thảo luận về việc chăm sóc bệnh nhân với đồng nghiệp và các nhóm đa chuyên môn, tham gia vào các dự án của cơ quan đó, mà vẫn tiếp tục được đào tạo. 

Các thành phố lớn thu hút bác sĩ trẻ vì hệ thống dịch vụ tốt. Họ không gặp khó khăn để làm thủ tục giấy tờ vì mọi cơ sở hành chính đều nằm gần nhau. Các trung tâm thương mại cũng nhiều hơn. Trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, các bệnh viện và đội ngũ bác sĩ cũng đông hơn nên họ được điều trị nhanh hơn. Thêm vào đó là hệ thống giao thông dày đặc. Nếu sống ở nông thôn, phần lớn bác sĩ chỉ sử dụng xe hơi của mình. Ngược lại, ở thành phố có rất nhiều lựa chọn (tàu điện ngầm, xe buýt, tàu điện hoặc tầu hỏa). 

Một yếu tố khác là có rất nhiều hoạt động giải trí, như bảo tàng, rạp chiếu phim, hòa nhạc… nên không cảm thấy buồn tẻ và rất tiện khi họ có con. Cuối cùng chính là yếu tố trường học cho con cái. Họ có nhiều lựa chọn hơn (trường công, trường tư, trường quốc tế…), trong khi ở vùng hẻo lánh có rất ít lựa chọn”.

Nhiều ưu đãi cho bác sĩ tình nguyện  

Theo lộ trình cải cách Y tế của chính phủ Pháp, cần giảm bớt cường độ cho các bác sĩ, có nghĩa là một số công việc có thể được giao cho trợ lý y tế. Mục tiêu đề ra là tiết kiệm được 15 - 20% thời gian khám bệnh. Theo tổng thống Pháp, cần có thêm 2.000 bác sĩ từ giờ đến năm 2020. Trước mắt, các bác sĩ nghỉ hưu được khuyến khích tiếp tục làm việc. 

Tiếp theo, làm thế nào để thu hút được các bác sĩ trẻ về vùng ít thuận lợi hơn? Một ý kiến giải thích:

“Họ không bị bắt buộc những được khuyến khích mạnh mẽ. Ví dụ, loại hợp đồng cam kết dịch vụ công (Contrat d’engagement de service public, CESP) cấp học bổng 1.200 euro/tháng cho sinh viên ngành Y nào cam kết về làm việc ở vùng khó khăn. Tiếp theo là loại hợp đồng Bác sĩ đa khoa khu vực (Praticien territorial de médecine générale, PTMG), dành cho các bác sĩ trẻ muốn lập nghiệp ở các vùng thiếu thầy thuốc. Họ được đảm bảo tổng thu nhập 6.900 euro/tháng với điều kiện thăm khám ít nhất 165 lần/tháng. 

Quy ước Y tế 2014 còn áp dụng một loại hợp đồng giúp đỡ các bác sĩ hoạt động ở những vùng ít được trang bị. Số tiền này là 50.000 euro và bác sĩ cam kết làm việc ở đó trong vòng 5 năm”.

Một số địa phương đã đi trước một bước khi giúp các bác sĩ nội trú trẻ mở phòng khám ngay trong bệnh viện với giá thuê hợp lý. Lấy ví dụ bệnh viện ở xã Palais, tỉnh Morbihan, đã cho các bác sĩ hoạt động độc lập mượn phòng khám, cấp thư ký và để họ truy cập hệ thống tin học với giá thuê rất ưu đãi, 500 euro/tháng. 

Đây cũng chính là hướng mà chính phủ Pháp muốn phát triển. Khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp và bộ trưởng Y tế đã đề xuất thành lập các Cộng đồng Khu vực chuyên ngành Y tế (Communauté professionnelles territoriales de santé, CPTS) vì, theo thống kê năm 2016, có đến 52% bác sĩ đa khoa trẻ, hoạt động tự do, muốn làm việc theo nhóm. Họ không muốn đi theo gương các đồng nghiệp thế hệ trước, tự làm mọi công việc. 

Đọc thêm