Quyết liệt tái cơ cấu nợ công, ngân sách
Nhấn mạnh trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, năng động sáng tạo, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phải chủ động thực hiện, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng.Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh và biện pháp giải quyết.
Đề cập tới nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành cần dự thảo kế hoạch hành động của bộ, ngành mình với tinh thần tấn công, đột phá. Cần nhận diện chính xác thách thức lớn nhất đối với bộ, ngành mình, tìm ra nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả khắc phục để tạo ra những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá làm thước đo kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nợ công, ngân sách; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, cần có bước chuyển mạnh mẽ hơn trong năm 2017.
Tăng cường quản lý hiệu quả tài sản công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tập trung mạnh vào tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; hướng ưu tiên tín dụng cho phát triển sản xuất, không để phát sinh nợ xấu mới.
Ứng trước 3.000 tỷ cho người dân
Tại buổi họp báo ngay chiều qua, trả lời vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, liên quan đến việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là nhiều người lao động bày tỏ băn khoăn, lo lắng về sức khoẻ của cán bộ, số lao động thất nghiệp, cơ hội của người trẻ và tình trạng “tham quyền cố vị” có thể xảy ra.
Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế-xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí…
Thông tin thêm về vấn đề hỗ trợ thiệt hại sau vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua, ông Dũng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã họp và quyết định ứng trước 3.000 tỷ đồng (từ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa) cho các tỉnh để tạm ứng cho các đối tượng được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Về tình trạng cá chết tại hồ Tây, theo Người phát ngôn Chính phủ, đây là sự kiện từ trước đến nay chưa có. Sáng nay (4/10), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm, Bộ Công an tiến hành xem xét tìm nguyên nhân.