Chính phủ sẽ đề xuất về quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu có vi phạm

(PLO) - Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đưa ra tại phiên họp cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới đây. 
Hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý đất đai. (Ảnh minh họa)
Hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý đất đai. (Ảnh minh họa)

Còn tình trạng dự án luật phải thay đổi nhiều

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định đánh giá công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được chú trọng, tăng cường hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh nhiều, thường xuyên; chất lượng của một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành; việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, UBTVQH, QH vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Ủy ban Pháp luật, là do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, nhất là trong công tác soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của QH với nhau, giữa cơ quan của QH với các cơ quan soạn thảo dự án trong việc tham gia thẩm tra, tham gia chỉnh lý một số dự án có lúc còn chưa được chặt chẽ, hiệu quả.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhận định việc đưa dự án luật này vào rút dự án luật kia ra là tình trạng chung chứ không phải cá biệt. Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng tính ổn định của hệ thống pháp luật gần đây “có vấn đề”, thể hiện ở chỗ khi sửa luật này phải sửa các luật khác liên quan nhưng không biết khi sửa xong các luật có liên quan có tiếp tục sửa luật ban đầu hay không. Để đảm bảo kỷ luật làm luật cũng như chất lượng các dự án luật, bà Lê Thị Nga đề nghị kiên quyết bác bỏ những dự án luật không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần cử người đúng chuyên môn và theo dõi sát, thường xuyên việc soạn thảo các dự án.

Cũng băn khoăn về những tồn tại trong việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kéo dài thời gian qua, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lấy dẫn chứng nhiều dự án luật khi đưa ra nêu sự cần thiết rất cấp bách, cần phải xem xét thông qua ngay, thậm chí rút gọn nhưng sau đó lại rút ra. “Hay có lúc đưa ra đề nghị 1 luật sửa 32 luật nhưng cuối cùng tất cả dồn lại 1 luật sửa 1 luật và chỉ sửa được 1 điều. Không biết lần này có khắc phục được tình trạng đó không?” – ông nói. Để khắc phục, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng Ủy ban Pháp luật cần thẩm tra kỹ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, với những dự án luật cho ý kiến lần đầu phải xem đã đủ điều kiện chưa mới cho trình. 

Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi Luật Cán bộ, công chức 

Thay mặt Chính phủ giải trình về một số dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền giao thời gian qua, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016 do phức tạp nên đã bị lùi và hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Về việc sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng theo chỉ đạo Ban Bí thư, theo Bộ trưởng Long, hiện Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu tổng kết và thời gian dự kiến tổng kết là năm 2017. “Về sửa đổi Luật Cán bộ, công chức cũng như xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có nghiên cứu tổng kết xem đưa vào nội dung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức hay xây dựng thành văn bản riêng. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và Chính phủ sẽ có đề xuất sau” – Bộ trưởng cho biết. 

Đọc thêm