Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ các bãi cát tự phát này đã tự ý thuê đất ven sông của các hộ dân, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các đối tượng này đã ngang nhiên xây các hạng mục công trình trên bến, san gạt lấy mặt bằng làm nơi tập kết vật liệu.
|
Hình ảnh xe ra vào lấy cát, sỏi ở Công ty TNHH Trung Kiên |
Dọc bờ sông, ngay đối diện khu vực UBND xã Sơn Đông có hàng loạt bến, bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi đang diễn ra như một đại công trường. Máy múc, máy cẩu múc cát lên xe ôtô, trong đó có nhiều xe hoạt động với tình trạng quá khổ quá tải, cơi nới thùng xe, không bạt che chắn, chở đi tiêu thụ công khai. Việc hoạt động của những bến bãi này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và làm giảm chất lượng đường giao thông khiến nhiều người dân bức xúc.
Tại các bến tập kết, việc mua bán cát sỏi diễn ra rầm rộ, thản nhiên. Hiện hàng chục bãi tập kết cát lớn, rộng từ hàng trăm đến hàng ngàn mét vuông. Nhiều bãi cát cao như núi nhưng không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng vào cuộc. Vì thế mà các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài.
|
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc trong buổi làm việc với phóng viên |
Để tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Tuấn cho biết: Trên địa bàn xã đang có 4 bến bãi đang hoạt động gồm: Công ty TNHH Duy Cường có được cấp phép và thuê đất là 50 năm; Công ty TNHH Trung Kiên; Công ty Gia Khánh, Công ty Hoàng Anh đều hoạt động không phép.
Theo ông Tuấn, diện tích đất mà các Công ty này đang sử dụng làm bến, bãi là đất nông nghiệp, được thuê lại từ người dân. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp này chưa được địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Cách đây khoảng 1-2 năm có lập biên bản về việc sử dụng đất sai mục đích của các Công ty này. Còn về các giấy tờ, hồ sơ pháp lý của các Công ty thì chính quyền xã không lưu giữ. Trách nhiệm quản lý đất đai của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương như vậy là sai theo quy định của Nhà nước”.
Dù nắm được các thực trạng trên, tuy nhiên chính quyền UBND xã Sơn Đông đã không kiên quyết xử lý, vẫn để tình trạng sử dụng một diện tích đất lớn sai mục đích trong thời gian dài. Phải chăng chính quyền địa phương có đang buông lỏng quản lý, khi các Công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân?
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.