Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn thừa nhận sự phối hợp giữa cơ sở y tế và CQ địa phương vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mô hình hệ thống tổ chức y tế của nước ta hiện nay là phân chia quyền lực giữa CQ trung ương và CQ địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc: Bộ Y tế quản lý ngành, CQ địa phương quản lý theo lãnh thổ.
Theo đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân sự y tế.
“Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm cũng phải được xác lập song trùng, nhưng trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng, minh bạch…”, bà Tiến khẳng định.
Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Khá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi tai biến y tế xảy ra, Bộ trưởng Bộ Y tế thường bị nêu tên, quy trách nhiệm… Bà Khá lấy dẫn chứng cụ thể 3 vụ việc xảy ra gần đây nhất. Đó là vụ tai biến vắc xin xảy ra tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị; vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức; vụ việc ở Bệnh viện Bưu điện Hà Nội.
Theo bà Khá, đối với các vụ việc này, Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm một phần, trách nhiệm chính vẫn thuộc về CQ địa phương và CQ quản lý ngành. Tuy nhiên, khi các vụ việc xảy ra, ngành Y tế lại bị chỉ trích nhiều nhất và họ cũng là đơn vị đứng ra giải quyết gần như mọi vấn đề, trong khi đó họ hoàn toàn bị động về kiến thức pháp lý cũng như các kỹ năng về quản lý nhà nước.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, Quốc hội cần phải xác định rõ trách nhiệm của ngành y tế cũng như lãnh đạo các cấp địa phương trong hoạt động y tế. TS Đàm Viết Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, phân cấp, phân quyền là vấn đề vô cùng khó, không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới. Thực tế các vụ dịch xảy ra ở nước ta cho thấy, người dân chết nhiều như thế, vậy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để ở đâu?.