“Công đức” tiền lẻ - Thần, Phật sẽ phù hộ?

(PLO) - Mỗi khi ngày rằm, mùng một, nhất là dịp Tết Nguyên đán, các đình, chùa bỗng trở nên nhếch nhác, mất hết vẻ thâm nghiêm bởi tình trạng nhiều người dân “hối lộ” thần thánh một cách vô thức.

Hình minh họa từ internet
Hình minh họa từ internet
Đổi tiền lẻ - siêu lợi nhuận
Bạn tôi làm tại một ngân hàng ở Hà Nội, anh kể mỗi dịp lễ tết là lo, mệt đến méo mặt. Bạn bảo cứ gần cuối năm, bạn bè, người quen rồi cả họ hàng dưới quê cứ gọi lên ơi ới và câu chuyện thế nào chung quy cũng chốt lại câu nói: “Cháu đổi giúp cho mấy triệu tiền lẻ đi lễ đầu năm!”.
Trong ngân hàng đã vậy, bên ngoài con phố “đổi tiền” Đinh Lễ, những ngày cuối năm này cũng bắt đầu có người đến hỏi thăm. Thấy tôi ngó nghiêng, một người phụ nữ trung tuổi từ trong Bưu điện Bờ Hồ chạy ra réo rắt: “Chú đổi tiền?” “Tiền mệnh giá 1000 đồng, giá cả thế nào?” “Một triệu lấy 700 trăm”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. 
"Thì vẫn giá cũ đó thôi, em không nhanh mấy bữa nữa giá nó là năm trăm ăn một triệu ấy. Mà nghe báo đài nói hôm qua Nhà nước không cho in thêm tiền lẻ. Kiểu này còn “sốt” nữa”. Người phụ nữ tỏ ra nhanh nhậy thông tin cho biết vậy.
Tại các  các khu vực chùa chiền như  phủ Tây Hồ, chùa Hà… mức phí đổi tiền mới khiến không ít người nghe sửng sốt. Thông thường các loại tiền mệnh giá 500 đồng khách hàng phải bỏ ra 100.000 đồng mới đổi được 50.000 đồng tiền mới; tiền 1.000 đồng phải bỏ ra 130.000 đồng mới được 100.000 đồng. Còn tiền 5.000 đồng có giá thấp hơn một chút. Đấy là giá đổi tiền những ngày thường, còn những dịp lễ tết thì biên độ giá đổi tiền được nâng lên một cách vô tội vạ, đó còn chưa kể những cọc tiền lẻ khi đổi bao giờ cũng thiếu.
Thần, Phật "ngộp thở" trong tiền lẻ
Trong suốt thời gian dài, những hình ảnh phản cảm về việc công đức theo kiểu nhét tiền lẻ vào các bức tượng Phật xuất hiện trên nhiều mặt báo. Mỗi khi vào mùa lễ hội, ở chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Hà… không khó để bắt gặp những cơn mưa tiền lẻ giăng giăng bay khắp không gian mỗi khi có cơn gió thổi qua. Tiền trong không trung, tiền trên mặt đất, tiền phủ kín khắp ao, hồ… 
Dùng tiền để mua tiền, rồi lại rải tiền, tình trạng này liên tục diễn ra ở nhiều chùa chiền hiện nay. Người ta thi nhau dùng tiền xoa tượng Phật cầu may, thậm chí cả những tượng Phật được đặt bên trong khung kính, họ cũng tìm cách nhét bằng được tiền vào trong.
Có lẽ không một chỗ nào mà những người đi lễ chùa kiểu này không tha việc “công đức” một cách thiếu ý thức như vậy. Thực ra kiểu “công đức” này mới chỉ xuất hiện dăm năm trở lại đây và sau mỗi năm, mật độ tiền lẻ được phủ lên các đền chùa thêm dày đặc. Trông cảnh đó, không ít người đi lễ chùa lắc đầu ngao ngán không biết nói gì hơn.  
Hãy nâng niu giá trị đồng tiền
Trông cảnh những đồng tiền được ném, nhét một cách vô tội vạ đó không khỏi xót xa. Mỗi đồng tiền đều cần được lưu thông quay vòng, từ tay người này đến tay người khác cho đến khi tờ tiền đó bị rách nát thì sẽ kết thúc sứ mệnh bằng việc hủy đi, thay thế bằng đồng tiền mới khác. Chi phí bỏ ra để in tiền rất lớn: giấy, mực in, tem chống giả… toàn là chi phí đắt tiền. Do vậy, cùng tờ tiền đó nếu được sử dụng nhiều lần trong lưu thông thì sẽ giảm được chi phí. 
Hơn nữa, việc “rải tiền” lung tung làm cho những người trong ban quản lý chùa, ngân hàng phải nhặt nhạnh, gom lại, thậm chí vớt… rồi phải lau sạch, phơi khô… Làm vậy là đồng tiền đã bị con người phá hoại, không biết những người “công đức” kiểu này có biết rằng mình đang vi phạm pháp luật không?.
Trước đây, chúng ta lên án sự lãng phí ghê gớm khi bao nhiêu tiền đổ vào tệ đốt vàng mã vô tội vạ mỗi dịp Tết đến, xuân về thì giờ đây có lẽ những lời lên án cần tập trung vào sự lãng phí trong việc sử dụng tiền lẻ và văn hóa lễ chùa đang là một vấn đề cần giải quyết ngay trong những ngày sắp chuyển giao năm mới này.

Đọc thêm