ĐBQH bức xúc sau vụ bác sỹ vứt xác bệnh nhân

(PLO) - Sau vụ việc “bác sỹ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng” gây bức xúc dư luận, hôm qua, bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng về vụ việc này.
ĐBQH bức xúc sau vụ bác sỹ vứt xác bệnh nhân

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh: Nếu xảy ra tai biến, phải chịu trách nhiệm đến cùng

Phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay rất siết chặt khâu cấp phép. Mọi người nhiều khi than thở là việc cấp phép lâu quá, nhưng vì còn phải lật lại hồ sơ xem bác sĩ đã từng phẫu thuật qua bao nhiêu ca, bằng cấp nơi nào cấp… Thẩm định để ra được một tờ giấy phép là cả một quá trình nhưng đó mới chỉ là tiền kiểm thôi,  còn hậu kiểm mới quan trọng. Cho nên ở đây không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành, kể cả với cơ sở hoạt động đúng phép mà nếu có tai biến xảy ra thì vẫn phải làm đúng theo pháp luật.
Tai biến y khoa luôn xuất hiện, nhưng vấn đề là xử lý nó thế nào để giảm các nguy cơ dẫn đến tai biến. Trong trường hợp xảy ra tai biến, phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế cấp cứu để xoay chuyển tình thế. Sinh nghề, tử nghiệp, nếu xảy ra tai biến, sự cố thì  phải chịu trách nhiệm đến cùng.
Qua vụ việc nói trên, bản thân ngành Y tế phải xem lại cơ chế của mình; phải có cơ chế thế nào để ngành phát triển  được, chứ nếu đầu tư không thỏa đáng trong khi nhu cầu xã hội ngày một tăng lên thì không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, họ bức xúc là đương nhiên. Có những trường  hợp tai biến xảy ra do tay nghề bác sĩ còn  yếu kém, vậy thì phải nhìn lại công tác đào tạo xem đã bảo đảm hay chưa, hay chỉ chạy theo số lượng?.
Còn với bác sỹ thực hiện hành vi, dù là lý do nào thì đó cũng là một việc làm không thể chấp nhận được đối với những người làm ngành Y hay với bất cứ công dân nào.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Tôi cứ nghĩ không thể nào có hành vi vô nhân tính như thế
Tôi sởn hết gai ốc, tới bây giờ vẫn còn cảm giác ấy. Tôi cứ nghĩ không thể nào hành vi vô nhân tính như thế lại xảy ra trong ngành Y. Hành vi ấy lại xảy ra với người bác sỹ trẻ, làm ở một bệnh viện lớn, có uy tín ở Hà Nội.
Báo cáo công khai của cấp có thẩm quyền đều thừa nhận y đức đang bị suy giảm, song tới mức như ở một loạt vụ việc vừa xảy ra thì không thể chấp nhận được.
Nguyên nhân có rất nhiều, từ giáo dục, rèn luyện tới gia đình, xã hội... và bản thân mỗi cá nhân. Có lẽ còn có tác động của kinh tế thị trường, có những người bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức, chỉ chạy theo lợi nhuận mà không tính tới hậu quả do mình gây ra.
Ở đây, phải làm rõ trách nhiệm của cả quản lý ngành dọc (y tế) và chính quyền địa phương. Biển của Thẩm mỹ viện ngay mặt đường to như thế, hoạt động suốt ngày đêm trong 6 tháng như thế, sao lại nói không biết!?. Không thể cứ để lặp đi lặp lại mãi các vụ việc tương tự rồi trả lời rằng tôi không có trách nhiệm. Liên quan tới an toàn tính mạng của người dân thì chính quyền và ngành dọc đều phải có trách nhiệm chứ.
Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan khi để thẩm mỹ viện hoạt động không phép lâu như thế. Cứ quy chung chung rất khó. Tôi tin lãnh đạo TP.Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ vấn đề này và xử lý nghiêm.
ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội: Tôi thấy rất đau xót
Là một người làm trong ngành Y, tôi thấy rất đau xót. Sự việc xảy ra quá khủng khiếp. Bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp vì trong mọi trường hợp, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân và thay vì đưa ra ngoài, phải đưa người bệnh vào ngay bệnh viện, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm gần ngay Bệnh viện Bạch Mai.
Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết mọi vấn đề. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong rồi thì cũng phải làm theo đúng quy trình xử lý trong trường hợp này.
Tôi chưa có thông tin từ Sở Y tế nhưng tôi băn khoăn là với một tấm biển tên, quảng cáo lớn như thế treo trước thẩm mỹ viện thì nếu không được cấp phép có dám trưng biển như thế không? Sao cơ quan thanh, kiểm tra bỏ qua được?.

Đọc thêm