Chính quyền Long An đồng hành với DN, giúp người dân hài lòng

Theo kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2011, Long An là tỉnh đạt điểm cao thứ 3/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và là tỉnh duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu trong cả 6 lĩnh vực được khảo sát. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Hữu Phước trao đổi xung quanh sự kiện này...
 

Theo kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2011, Long An là tỉnh đạt điểm cao thứ 3/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và là tỉnh duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu trong cả 6 lĩnh vực được khảo sát. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Hữu Phước trao đổi xung quanh sự kiện này...

ông Lưu Hữu Phước - Phó Chủ tịch tỉnh Long An
Ông Trần Hữu Phước - Phó Chủ tịch tỉnh Long An

 Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Là một trong những tỉnh phía Nam hiện đang phát triển sôi động, xin ông cho biết một số đặc điểm của Long An đã góp phần tạo nên vị trí mới cho tỉnh nhà?
- Tỉnh Long An có hơn 1.450.000 dân, diện tích đất tự nhiên rộng 444.700 ha. Tỉnh có đường biên giới với Campuchia dài 133 km, với 2 cửa khẩu gồm cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuộc huyện Mộc Oa và cửa khẩu quốc gia Tho Mo thuộc huyện Đức Huệ.
Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp giáp với TP.HCM nên tỉnh chia thành 2 vùng rõ rệt, các huyện phía Nam, tiếp giáp với TP.HCM thì thuận lợi cho phát triển công nghiệp, còn 6 huyện nằm trên vùng Đồng Tháp Mười lại thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Những năm qua, tỷ trọng công nghiệp đã nâng lên rõ rệt, hiện chiếm khoảng 33%. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn, dao động từ 37-38%, đặc biệt mỗi năm sản lượng lúa của Long An được trên dưới 2,5 triệu tấn.
Trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn song năm vừa qua tăng trưởng GDP của tỉnh  vẫn đạt 2 con số, năm nay Long An có đặt mục tiêu giữ mức tăng trưởng này không, thưa ông? 
- Năm vừa rồi, tăng trưởng GDP của Long An đạt được 12,2%. Mục tiêu năm nay mà tỉnh đề ra là từ 12,5 – 13% và chúng tôi sẽ cố gắng để “cán đích” mức tăng trưởng như thế.
Với những con số ấn tượng như vậy, Long An đã làm gì để thu hút đầu tư?
- Bên cạnh các chủ trương của Trung ương thì để giúp cho các DN đầu tư trên địa bàn, Long An xác định tập trung vào giải pháp cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN muốn đầu tư vào Long An, đặc biệt là thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Khi DN muốn vào Long An, họ sẽ được làm thủ tục nhanh chóng nhất để sớm đầu tư tại đây. 
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng luôn luôn đồng hành với các DN, cùng các DN tháo gỡ khó khăn để DN yên tâm đến với Long An. Hàng năm, chúng tôi tổ chức họp mặt, tiếp xúc với DN và đồng thời cũng có những cuộc xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài. Những năm trước, chúng tôi có những đoàn đi xúc tiến đầu tư với các nước, nhưng vài năm gần đây thì mời các nhà đầu tư đến, đưa họ đi thăm các vùng quy hoạch, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giới thiệu, kêu gọi họ đầu tư.
Đặc biệt, với Chỉ số PAPI năm 2011 của Long An được xếp thứ hạng cao như vừa công bố, tôi nghĩ sẽ còn tác động tới việc tiếp tục thu hút đầu tư vào Long An.
Theo ông, chỉ số PAPI, có góp phần thu hút đầu tư vào Long An và qua đó tác động tích cực tới tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương?
- Chỉ số PAPI trong tương quan với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp cho Long An, chúng tôi thấy rằng có sự phù hợp và tương đồng. PCI của Long An năm 2010 đứng thứ 12 thì năm 2011, Chỉ số PCI của Long An đứng thứ 3/63 tỉnh thành của cả nước. Chỉ số PAPI cũng nêu Long An là một trong những tỉnh thực hiện tốt nên chúng tôi cho là nó sẽ góp phần tích cực thu hút thêm đầu tư vào Long An trong thời gian tới. 
Đối với tình hình kinh tế - xã hội cũng có ảnh hưởng tương tự. Trước đây chúng ta chưa lượng hóa được, còn bây giờ đã lượng hóa được các hoạt động về quản trị công, qua đó giúp cho mình có thể khắc phục được những yếu kém, phát huy những mặt tích cực, đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Người dân sẽ được hưởng lợi ích ra sao thể hiện qua chỉ số này?
- Theo tôi, điều đó càng làm cho dân hiểu thêm về quản lý của Long An, qua đó tạo điều kiện cho người dân có thể tích cực tham gia đóng góp cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Chỉ số PAPI là tập hợp của dữ liệu phân tích định lượng về sáu lĩnh vực về quản trị và hành chính công, bao gồm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.

Theo kết quả Chỉ số PAPI 2011 vừa được công bố, các tỉnh Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An được người dân đánh giá thực hiện quản trị và hành chính công tốt nhất. Trong khi đó, các tỉnh Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi đứng cuối trong cả nước với điểm tổng hợp thấp nhất.

Ông đã hài lòng với thành tích của tỉnh nhà?

- Tôi nghĩ Chỉ số PAPI của Long An chỉ là tốt thôi chứ không phải hơn hẳn các địa phương khác. Nếu nhìn nhận cụ thể từng chỉ số thành phần, tôi thấy cũng còn nhiều điểm không phải là hơn hẳn các địa phương khác.
Ví dụ như việc phát huy vai trò thanh tra nhân dân rồi giám sát cộng đồng ở cơ sở đối với một số công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn thì ở một số địa phương của tỉnh vừa qua chưa làm được. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện theo hướng đẩy mạnh công khai dân chủ để người dân được tham gia đóng góp.
Tôi cho rằng thước đo hài lòng của người dân chính là cái gốc, là tiêu chí kiểm nghiệm, đánh giá quan trọng nhất, chính xác nhất về chất lượng phục vụ dịch vụ công của các cấp chính quyền.
Ông có thể chỉ ra bài học kinh nghiệm giúp Long An đạt thứ hạng cao trong cả 2 Chỉ số để các địa phương có thể học tập?
- Không dám nói là kinh nghiệm nhưng trong thời gian qua chúng tôi thấy rằng chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phát huy dân chủ ở cơ sở. Cả hệ thống chính trị ở Long An đã vào cuộc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở làm sao cho chúng ta thực hiện công khai hóa, làm thế nào để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đối với các chương trình, kế hoạch của Nhà nước thì người dân sẽ tích cực đóng góp, tham gia trong việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền, đồng thời cũng góp phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. 
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm