“Đòn bẩy” chính sách cho công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa hiện được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy kinh tế sáng tạo và đổi mới. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghiệp văn hóa không chỉ là phương tiện lan tỏa giá trị văn hóa mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển các nền tảng số an toàn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đời sống xã hội và hình thành công dân số. Những nền tảng này không chỉ giúp lưu giữ, quảng bá di sản văn hóa mà còn góp phần định hình một xã hội số lành mạnh, nơi các giá trị truyền thống được bảo vệ và phát huy. Việc phát triển mạng xã hội “Make in Vietnam” là một hướng đi cần khuyến khích, nhằm tạo ra không gian mạng an toàn, thân thiện với bản sắc dân tộc và giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số. Ngoài ra, việc phát triển các nền tảng số để giám sát, thu thập và quản lý dữ liệu lĩnh vực tài nguyên, môi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Những nền tảng này sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin kịp thời, phục vụ cho việc hoạch định chính sách bảo vệ di sản thiên nhiên - một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, xây dựng chính sách và tạo lập hành lang pháp lý phù hợp. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đã có những nghị quyết về phát triển văn hóa, trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Tuy nhiên, nếu hệ thống pháp luật không thực sự linh hoạt, nhiều rào cản sẽ cản trở sự phát triển. Theo ông, một trong những vấn đề lớn nhất là việc “khóa cứng” của hệ thống pháp luật và các quy định chưa thật sự linh hoạt, gây khó khăn cho sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Chính sách không chỉ là “kim chỉ nam” pháp lý mà còn phải tạo ra môi trường thuận lợi cho sáng tạo và đầu tư. Khi đó, các doanh nghiệp và cá nhân mới có thể mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa văn hóa Việt vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Tận dụng “bàn đạp” công nghệ
Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc điểm chung là các chủ doanh nghiệp xuất thân từ giới nghệ sĩ - họ giàu đam mê sáng tạo nhưng lại hạn chế về kinh nghiệm quản lý và kỹ năng kinh doanh, thiếu hụt nguồn vốn, hạn chế công nghệ và khó khăn trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Đây chính là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro, thậm chí phá sản khi thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách. Nhiều doanh nghiệp đề xuất cần có quỹ đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo cú hích cho các dự án tiềm năng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp văn hóa đã nhanh nhạy tận dụng các cơ hội để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, con đường phát triển này cần sự đồng hành của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp, miễn giảm thuế và cung cấp nền tảng pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
![]() |
Các sự kiện văn hóa, như concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” minh chứng cho nỗ lực đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng các không gian văn hóa chất lượng quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Theo nhận định của PGS. TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần có những chính sách phù hợp để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ, từ việc số hóa di sản văn hóa, phát triển nền tảng xuất bản trực tuyến, hỗ trợ các nền tảng nghe nhìn trong nước, đến việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn. Ông cũng chỉ ra rằng văn hóa, nghệ thuật không thể bị coi là lĩnh vực “bên lề” mà phải được đặt vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật phải đảm bảo môi trường sáng tạo cởi mở, bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ và đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu.
Về định hướng tương lai, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, cần ưu tiên rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, nghệ thuật; đồng thời xây dựng chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, đổi mới cơ chế đầu tư, hoàn thiện thị trường văn hóa và khuyến khích hợp tác công - tư sẽ là những yếu tố then chốt giúp công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh.
Đưa công nghiệp văn hóa bước vào kỷ nguyên mới
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh công nghệ cao thay đổi nhanh chóng, đặt ra không ít thách thức cần vượt qua để ngành phát triển bền vững. Thách thức lớn nhất là về đổi mới và sáng tạo, khi khán giả ngày càng có nhu cầu cao hơn về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mới mẻ, độc đáo và mang tính cá nhân hóa, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải liên tục sáng tạo để đáp ứng kỳ vọng. Kèm theo đó là thách thức về số hóa và chuyển đổi công nghệ. Nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống đang phải chuyển đổi lên nền tảng số như sách điện tử, phim trực tuyến, trò chơi điện tử và các nền tảng chia sẻ video. Quá trình này đòi hỏi đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ, kỹ năng vận hành và đặc biệt là bảo vệ tài sản trí tuệ. Tiếp theo là các thách thức liên quan đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng văn hóa, cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận và hưởng thụ sản phẩm văn hóa số. Cùng với đó, giải quyết các thách thức về nguồn nhân lực, bảo vệ bản quyền cũng là yếu tố sống còn để ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với làn sóng công nghiệp 4.0.
Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, điển hình như thúc đẩy hạ tầng số; tăng cường ứng dụng công nghệ; hiện đại hóa khung pháp lý về sở hữu trí tuệ; phát triển nguồn nhân lực số; và khuyến khích thực hành văn hóa bền vững với công nghệ xanh như blockchain. Những giải pháp này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Đáng chú ý, thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công - tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn đang gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính, sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan. Trong khi đó, xu hướng phát triển và nhu cầu thực tế ngày càng tăng từ cả công và tư. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm từ chương trình thí điểm cơ chế đối tác công - tư đặc thù, đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội cho thấy tiềm năng lớn. Việc nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư ngày 29/11/2024 sẽ là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư tư nhân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đa dạng và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các ngành công nghiệp văn hóa đang mở ra những chân trời mới, nơi công nghệ trở thành công cụ mạnh mẽ để đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới. Từ việc số hóa di sản, phát triển nền tảng xuất bản trực tuyến đến hỗ trợ các nền tảng nghe nhìn nội địa - tất cả đều đòi hỏi một chính sách đồng bộ và tầm nhìn xa. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu phát triển bền vững mà còn có thể trở thành một trung tâm văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đây là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, đặc biệt là những người đang thụ hưởng, gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.