Chính quyền quyết liệt thu hồi
Sáng ngày 19/11, lãnh đạo xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì cho biết đã phải chủ động thuê người tới tháo dỡ kho bãi của Công ty CP Dược Sơn Lâm đặt tại Nhà văn hóa thôn Văn Điển vì thông tin hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan liên ngành của TP. Hà Nội công bố trong thời gian vừa qua.
Ông Tạ Đăng Doanh – Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND xã Tứ Hiệp cho biết, ông Phạm Văn Cách – Giám đốc doanh nghiệp Sơn Lâm thuê lại khu vực nhà văn hóa làm kho chứa hàng không thông qua UBDN xã mà chỉ làm việc với chính quyền thôn. Kinh phí thu chi từ việc cho thuê kho cũng được giao cho chính quyền thôn Văn Điển quản lý.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng thừa nhận không có quy định pháp luật nào cho phép lấy Nhà văn hóa ra để kinh doanh. “Trước đây, khoản thu chi từ việc cho doanh nghiệp Sơn Lâm thuê đều do chính quyền thôn Văn Điển quản lý mà xã không tham gia chuyện này. Mỗi năm chỉ có 2 lần chính quyền thôn báo cáo tài chính với xã” – ông Doanh nói.
Sau khi nhiều cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh thông tin những dấu hiệu bất minh trong kinh doanh, kết luận của Đoàn Thanh tra liên nghành do Sở Y tế Hà Nội chủ trì chỉ rõ những sai phạm trong kho bãi của Công ty CP Dược Sơn Lâm, lãnh đạo xã Tứ Hiệp đã buộc đơn vị này phải trả lại khu vực Nhà văn hóa thôn Văn Điển cho nhân dân.
Theo ông Doanh, ngày 12/11 chính quyền đã mời đại diện doanh nghiệp Sơn Lâm lên làm việc, buộc họ phải chuyển kho bãi đi chỗ khác. “Ông Phạm Văn Cách, Giám đốc công ty Sơn Lâm hứa trong 7 ngày sẽ chuyển nhưng cho tới hôm qua (ngày 18/11) không thấy họ di chuyển nên chúng tôi đã chủ động thuê người đến tháo dỡ, buộc họ phải thực hiện theo yêu cầu” – ông Doanh cho biết.
Bà Ngô Thị Thu Hằng – Phó Chủ tịch xã Tứ Hiệp cũng cho biết, doanh nghiệp Sơn Lâm cam kết sẽ chuyển kho bãi đi trước ngày 25/11 nhưng chính quyền địa phương không chấp nhận mà buộc họ phải di dời trong thời gian sớm nhất.
Nói về trách nhiệm quản lý trong vụ việc, bà Hằng thừa nhận lãnh đạo xã Tứ Hiệp đã “buông lỏng” quản lý để cho doanh nghiệp trên địa bàn tự do hoạt động, gây bức xúc cho người dân. “Chắc chắn sau khi giải quyết xong việc kho bãi của công ty Dược Sơn Lâm, chúng tôi sẽ tiến hành họp kiểm điểm, trách nhiệm của từng cá nhân sẽ được xem xét để xử lý” – bà Hằng nói.
Bị thu hồi kho bãi, có bị thu hồi giấy phép?
Đầu tháng 11/2015, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày 27/10 Đoàn Thanh tra liên ngành do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã có buổi thanh tra đột xuất với Công ty CP Dược Sơn Lâm. Trước những sai phạm của đơn vị này, Thanh tra Sở Y tế đã quyết định xử phạt doanh nghiệp tổng số tiền 29,5 triệu đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp dược Sơn Lâm treo bảng hiệu tại trụ sở công ty không đúng tiêu chuẩn. Kho bãi bảo quản dược liệu không đủ tiêu chuẩn đề ra. Đoàn thanh tra con lấy 6 mẫu dược liệu đi kiểm tra chất lượng thì có 2 mẫu không đạt yêu cầu.
“Tại kho dược liệu ở trong khuôn viên Nhà Văn hóa thôn Văn Điển, Công ty CP Dược Sơn Lâm có giấy phép hoạt động nhưng lại không đủ tiêu chuẩn GSP mà Bộ Y tế ban hành nên bị xử phạt hành chính và buộc doanh nghiệp phải có đầy đủ điều kiện như trong quy định. Còn kho ở tầng 3 Trung tâm thương mại Văn Điển, doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động nên chúng tôi đã buộc doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nơi này cho đến khi được cho phép” – ông Yên nói.
Ông Yên cũng thừa nhận, giấy tờ vận hành tại các kho của Công ty CP Dược Sơn Lâm không đầy đủ như có hóa đơn đầu vào nhưng lại không có hóa đơn đầu ra, sổ sách thực tế không khớp với số lượng hàng hóa có trong kho, không ghi chếp đầy đủ tình trạng xuất nhập khẩu hàng hóa trong kho…
Còn bà Ngô Thị Thu Hằng thừa nhận với các pv báo chí, Công ty CP Dược Sơn Lâm đã thuê Nhà văn hóa thôn Văn Điển làm kho thuốc được 6 – 7 năm nay nhưng chỉ “làm việc bằng mồm” với chính quyền thôn mà không có bất cứ giấy tờ hợp đồng, cam kết nào. “Ông Cách là người nơi khác đến làm ăn trên địa bàn nhiều năm nay như đến bây giờ tôi chưa biết mặt ông ấy như thế nào”.
Bà Hằng chia sẻ: “Tôi có vài lần cùng với đoàn kiểm tra liên ngành tới kho bãi của doanh nghiệp Sơn Lâm làm việc nhưng sự thật khi chứng kiến tận mắt thì thật lòng mà nói, lần sau không dám dùng thuốc đông y luôn”. Bởi theo bà Hằng, việc bảo quản thuốc ở đây diễn ra sơ sài, không đảm bảo khiến cho bản thân “cảm thấy sợ”.
Trao đổi với PV, một chuyên gia về y dược cho rằng: “Kho bãi trong kinh doanh thuốc, dược liệu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng hàng hóa. Nếu bảo quản không tốt chắc chắn thuốc, dược liệu sẽ bị biến chất, rất dễ rở thành độc dược, gây hại cho con người. Điều đặc biệt, kho bãi muốn đạt chuẩn thì phải có hợp đồng thuê dài hạn chứ không thể tạm thời, sơ sài như thế”.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, nếu doanh nghiệp kinh doanh dược liệu chỉ có kho bãi tạm thời lưu giữ hàng hóa sẽ dẫn đến việc các trang thiết bị cũng chỉ là tạm thời, không đây đủ. Mà theo quy định GSP về Thực hành tốt bảo quản thuốc do Bộ Y tế ban hành vào năm 2001 thì bắt buộc:
“Nhà kho phải được thiết kế, xây dựng, trang bị, sửa chữa và duy tu một cách hệ thống sao cho có thể bảo vệ thuốc, bao bì đóng gói tránh được các ảnh hưởng bất lợi có thể có, như: sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, chất thải và mùi, các động vật, sâu bọ, côn trùng… Và để đáp ứng được yêu cầu cho thiết kế, cần phải chú ý đến các điểm.
Địa điểm: Kho phải được xây dựng ở nơi cao ráo, an toàn, phải có hệ thống cống rãnh thoát nước, để đảm bảo thuốc tránh được ảnh hưởng của nước ngầm, mưa lớn, và lũ lụt.. Kho phải có một địa chỉ xác định, nằm ở nơi thuận tiện cho việc xuất nhập, vận chuyển, bảo vệ,…”.
Chính vì thế, chuyên gia này đề nghị nếu như Công ty CP Dược Sơn Lâm bị chính quyền xã Tứ Hiệp thu hồi kho bãi thì buộc Sở Y tế Hà Nội phải thu hồi giấy phép kho bãi, chứng nhận GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc) mà doanh nghiệp này đã đăng ký trước đó. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động của Công ty CP Dược Sơn Lâm cho tới khi nào đơn vị này có kho bãi khác đủ yêu cầu. Cũng theo vị chuyên gia này, việc qua các lần thanh tra mà không phát hiện doanh nghiệp đủ điều kiện kho bãi dược liệu (hợp đồng dài hạn, ít nhất 5 năm), phía Sở Y tế cũng có dấu hiệu không bình thường.