Trước mắt là Luật sửa đổi sẽ phải khắc phục, hạn chế được những tồn tại của luật cũ và thích ứng với tình hình mới. Cụ thể, sẽ đơn giản hóa thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh, buôn bán… dược phẩm cho doanh nghiệp. Còn người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá cả hợp lý hơn và chất lượng cũng sẽ tốt hơn.
Và công nghiệp dược, đặc biệt là dược liệu, nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu, thuốc đông y sẽ được khuyến khích phát triển, nhất là thuốc nội. Kết quả đấu thầu vừa qua BHXH cũng thông báo là tỷ lệ thuốc nội đã tăng thêm gấp đôi, giá và chi phí bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm từ 30-35%.
* Luật sửa đổi sẽ khắc phục hiện tượng "cùng loại thuốc nhưng lại có nhiều loại giá khác nhau” như thế nào?
Luật sẽ đảm bảo việc quản lý giá rất công khai, minh bạch theo các quy định hiện hành và việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh theo danh mục. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá thuốc.
* Có nhiều ĐB cho rằng hiện tại việc “mua thuốc dễ như mua rau” ngoài chợ, không cần đơn thuốc và giá cả cùng một loại thuốc có sự chênh lệch. Bộ trưởng có quan điểm, trăn trở gì về vấn đề này?
Đúng là hiện tượng ghi toa thuốc tràn lan và người dân tự tiện mua thuốc không có ghi toa vì hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa thể bao phủ đến hết người dân cho nên người dân “tự kê đơn” khi có bệnh. Bên cạnh đó, các nhà thuốc không thực hiện nghiêm quy định bán thuốc theo toa. Nhưng nguy hiểm nhất là cán bộ y tế, bác sỹ cũng ghi toa một cách tương đối dễ dàng nên có thể dẫn đến kháng thuốc, kháng kháng sinh, Bộ Y tế đang quyết liệt vào cuộc để khắc phục.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục ban hành quy định về bán thuốc cần phải có toa ở các quầy thuốc bán lẻ, kiểm tra gắt gao, chỉ đạo các địa phương, sở y tế, các cơ quan thanh tra các địa phương thanh tra các cơ sở bán thuốc lẻ, tuyên tuyền rộng rãi đến người dân phải mua thuốc theo đơn, nếu không rất ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh.
* Thực tế thị trường trong nước đã xuất hiện thuốc giả. Bộ có giải pháp gì để chống thuốc giả?
Thuốc giả là một tồn tại mà nước nào cũng có. Tuy nhiên qua tiền kiểm và hậu kiểm, Bộ Y tế phát hiện thuốc giả ở Việt Nam thấp hơn so với các nước. Nhưng dù vậy cũng tiềm ẩn hiểm hoạ cho sức khỏe người dân nên Bộ đang tích cực thanh kiểm tra, rút giấy phép, dừng lưu hành một số thuốc và đặc biệt là xử phạt rất nặng đối với nơi sản xuất thuốc giả.
Để ngăn chặn thuốc giả thì "cái chính" là phối hợp liên ngành để thanh kiểm tra và xử phạt nặng, đặc biệt là rút giấy phép hoàn toàn, đình chỉ hoạt động của cơ sở đó và công bố trên truyền thông như Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã làm. Đồng thời, Bộ kết hợp với các Bộ Công thương, Bộ Công an, đặc biệt là địa phương, người dân để có thể phát hiện, giám sát cơ sở sản xuất thuốc giả, các nguồn đưa thuốc giả vào lưu hành trên thị trường.