Những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng nhằm thúc đẩy, nâng cao địa vị người phụ nữ và phát huy vai trò của họ trong gia đình và xã hội nhờ các chính sách phát triển chung của Nhà nước và các chính sách đặc thù riêng (như chính sách cho phụ nữ DTTS sinh con đúng kế hoạch, đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS...). Tuy nhiên, phụ nữ DTTS vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít “rào cản”, khó khăn trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, họ là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phụ nữ DTTS vẫn khó tiếp cận với hệ thống giáo dục phổ thông
Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam và Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, thực trạng phụ nữ DTTS vẫn khó tiếp cận với hệ thống giáo dục phổ thông, dẫn đến tỷ lệ phụ nữ DTTS biết đọc, biết viết còn thấp. Đáng chú ý là ở các nhóm tuổi cao thì khoảng cách giới (nữ - nam) về tỷ lệ này cũng càng lớn, nếu ở nhóm từ 15 đến dưới 18 tuổi, khoảng cách giới là -2,4 điểm %; thì đến nhóm tuổi 35 - 44 tuổi đã tăng lên -13,5 điểm % và nhóm từ 65 tuổi trở lên là -24,4 điểm %.
Theo Ủy ban Dân tộc, một số DTTS có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp như Lự 32,5%, La Hủ 37,8%, Mảng 39,0% và Mông 39,4%. Trong số 53 dân tộc thiểu số, có tới hơn 20% phụ nữ không biết đọc, biết viết, tập trung chủ yếu ở các tộc người cư trú vùng cao, vùng biên giới.
Không biết tiếng phổ thông, mù chữ dẫn tới nhiều hệ lụy trong cuộc sống mà người phụ nữ DTTS đang phải gánh chịu như phải dành hầu hết thời gian để lao động sản xuất, làm việc nhà, chăm sóc con cái mà ít có cơ hội được giao tiếp trong cộng đồng. Mặt khác, phụ nữ DTTS vốn đã quen môi trường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Trong điều kiện giao tiếp chủ yếu bằng tiếng dân tộc, sống trong cộng đồng tộc người khá cách biệt với bên ngoài, phụ nữ DTTS ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên nhiều hoạt động của họ phải thông qua người nam giới cũng vì thế mà phụ nữ DTTS ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào vai trò của nam giới trong cuộc sống cá nhân và gia đình.
Mù chữ đi cùng với không biết tiếng phổ thông, hạn chế trong giao tiếp với người ngoài cộng đồng dẫn tới người phụ nữ luôn tự ti, không mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội và không tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là một trong những “rào cản” lớn đối với sự phát triển của phụ nữ DTTS hiện nay, điều đó đồng nghĩa với việc họ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật hay các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển của Chính phủ đối với gia đình và bản thân.
Nhìn từ góc độ giới, theo Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo vấn đề giới vẫn đang tồn tại trong tiếp cận chính sách giáo dục liên quan đến tỷ lệ biết chữ, cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng cao, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và cơ hội tiếp cận giáo dục của phụ nữ trung niên DTTS... Cụ thể, tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người nữ DTTS vẫn thấp hơn so với nam DTTS (75,1% so với 86,7%) và thấp hơn đáng kể so với phụ nữ dân tộc Kinh (94,6%). Tỷ lệ thành viên nữ DTTS có bằng thạc sỹ, tiến sỹ cũng thấp chỉ đạt 0,03%. Việc đầu tư cho giáo dục của nhóm DTTS còn thấp và có sự chênh lệch giữa nam và nữ, khoảng 1,6 triệu đồng/người/năm cho thành viên nam đi học và 1,5 triệu đồng/người/năm cho thành viên nữ đi học...
Tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại nhà vẫn rất cao
Ở góc độ y tế, cũng theo tham luận của Ủy ban Dân tộc tại cuộc Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”, phụ nữ DTTS cũng khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Cụ thể, hiện nay cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5 % trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96% và gần 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, ở các vùng DTTS và miền núi tỷ lệ xã có trạm y tế xã đạt chuẩn còn thấp (chiếm 45%); chỉ có 69,2% số trạm y tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có bác sỹ khám, chữa bệnh cho người dân. Chỉ 20% trạm y tế xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011 - 2020. Sự hạn chế của dịch vụ y tế là một những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế của phụ nữ DTTS.
Đơn cử như vấn đề phụ nữ DTTS sinh con tại nhà, không có cán bộ chuyên môn đỡ. Hiện nay, vẫn còn có các dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ cao như Mảng 50,6%, Cống 37,0%, La Hủ 36,5% và La Ha 30%. Trường hợp dân tộc Mông, mặc dù tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà vẫn rất cao 50,3%, (tỉnh cả tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà đã được cán bộ chuyên môn giúp đỡ là 11,5%).
Theo Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam, mặc dù tỷ lệ phụ nữ DTTS đi khám thai tăng, song tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản vẫn còn cao gấp 3 lần so với cả nước, một số nhóm DTTS cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh.
Tiếp đó là vấn đề khám, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT, kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, mới có 46,8% phụ nữ DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh. Việc phụ nữ một số DTTS chưa sử dụng thẻ BHYT là do họ không thông thạo tiếng phổ thông, e ngại khi đi khám, chữa bệnh và phải phụ thuộc vào chồng khi làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Ngoài ra, phụ nữ DTTS tại một số vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn khi sinh đẻ thay vì tới các cơ sở y tế họ chọn sinh đẻ tại nhà. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, trẻ em mà họ cũng mất đi cơ hội được chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế, thụ hưởng chính sách ưu việt trong khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Sự tiếp cận chính sách an sinh xã hội cần nhìn nhận từ quan điểm “động”
Các chính sách dân tộc trong thời gian tới cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của phụ nữ DTTS. (Ảnh minh họa. Nguồn CP) |
Tại Hội thảo nói trên, quan điểm nhất quán được đưa ra là trước thực trạng nêu trên, các chính sách dân tộc trong thời gian tới cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của phụ nữ DTTS như: nâng cao tỷ lệ biết chữ của phụ nữ dân tộc thiểu số, cải thiện dịch vụ y tế và giúp phụ nữ DTTS dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng; tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ DTTS; có cơ chế thích hợp để khuyến khích phụ nữ DTTS tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, việc làm có trả công...
Đây cũng chính là những lĩnh vực ưu tiên mà Ủy ban Dân tộc đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021-2030.
Theo Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam, hệ thống chính sách liên quan tới bình đẳng giới và chính sách đối với đồng bào DTTS hiện nay hầu như chưa được xây dựng theo quan điểm lồng ghép yếu tố giới và đặc thù DTTS; dẫn tới tình trạng chính sách bình đẳng giới thì không tính đến đặc thù cho đối tượng là phụ nữ DTTS, còn chính sách cho vùng DTTS lại không tính đến yếu tố giới. Vì vậy, phụ nữ DTTS dường như vẫn nằm ở “điểm khuất của góc khuất”, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung. Do đó, cần chú trọng áp dụng nguyên tắc lồng ghép giới và triển khai thực hiện chính sách lồng ghép giới xuyên suốt trong các Dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình với hoạt động về khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Xây dựng và hoàn thiện thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội theo hướng có cam kết và chỉ số đầu ra đó là quan điểm của TS. Vi Thị Hương Lan và TS. Đặng Văn Luận - Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, các quan điểm, chủ trương của Đảng cần được tiếp tục thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, theo hướng bảo đảm bình đẳng giới thực chất vì sự phát triển bền vững. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội đối với phụ nữ DTTS và miền núi. Chính sách bình đẳng tạo điều kiện và bảo đảm sự tiếp cập chính sách an sinh xã hội cần nhìn nhận từ quan điểm “động” trong phát triển, nghĩa là cần phải phát huy nội lực của phụ nữ DTTS, hỗ trợ và giúp đỡ họ không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực, bị tách biệt xã hội mà vươn lên, tự chủ trong cuộc sống của mình.
Phụ nữ DTTS cần được hưởng lợi trong quá trình phát triển từ những quyền được tiếp cận thông tin, quyền được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội và của cộng đồng, được tiếp cận một cách đầy đủ các dịch vụ thiết yếu trong đời sống xã hội như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội...