Chính sách BHXH: Cần nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện

(PLO) - Tại kỳ họp thứ 5 của QH khóa XIV đang diễn ra, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017 với nhiều vấn đề còn đặt ra để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chính sách an sinh xã hội đặc biệt này, nhất là trong bối cảnh ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu chung là hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Cải cách để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Cải cách để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp

Trong báo cáo, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017. Đó là, đối tượng tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng tốc độ tăng không có nhiều đột phá (5-6%/năm) nên khó đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Chính phủ lý giải là do, tình trạng trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến nhưng các giải pháp khắc phục chưa đạt được hiệu quả hữu hiệu. Việc khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH chưa có chuyển biến. Số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng cao.

Năm 2017, toàn ngành BHXH đã thực hiện 1.643 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại 4.006 đơn vị sử dụng lao động; 4.852 cuộc kiểm tra tại 10.055 đơn vị sử dụng lao động, phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là 88,2 tỷ đồng. Có 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là 47,3 tỷ đồng. 

Trung bình, mỗi đơn vị được thanh tra, kiểm tra, phát hiện khoảng 03 lao động trốn đóng BHXH và 03 lao động đóng thiếu tiền BHXH với mức tiền lương thấp hơn mức tiền lương phải đóng theo quy định. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định là hơn 2.776 tỷ đồng; trong và sau thời gian thanh tra, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là gần 1.464 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ là 52,7%). Lập biên bản vi phạm hành chính đối với 505 đơn vị sử dụng lao động (chiếm 3,2% số đơn vị được thanh tra, kiểm tra) với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 7,9 tỷ đồng, đến nay đã thu được 1,74 tỷ đồng.

Vấn đề “nổi cộm” trong công tác quản lý BHXH và có ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững của Quỹ BHXH là tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp dù đã giảm so với những năm qua do sự thiếu ý thức và trách nhiệm xã hội của một số chủ doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến quyền lợi của người lao động; không tuân thủ pháp luật. Nhận thức của một bộ phận người lao động chưa cao; năng lực đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của bản thân người lao động cũng như tổ chức công đoàn ở cơ sở còn hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan (Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Công tác giải quyết và chi trả trợ cấp BHXH còn gặp nhiều khó khăn: Việc gian lận, giả mạo hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng lợi (làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp...); việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện còn một số tồn tại chưa được khắc phục triệt để (hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc, vướng mắc của người hưởng, báo giảm người hưởng do chết, chuyển đi nơi khác... chưa kịp thời). Việc kết nối cơ sở dữ liệu, chế độ thống kê, thông tin, báo cáo còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý và hoạch định chính sách (việc thống kê số liệu theo các tiêu chí cụ thể còn hạn chế, chưa hình thành được chuỗi số liệu chuẩn để làm đầu vào cho các mô hình đánh giá, dự báo).

Tăng cường giám sát nợ đóng, chậm đóng BHXH

Trước những đánh giá, phân tích toàn diện tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả và hướng tới mục tiêu “bảo hiểm toàn dân”. Trong đó, có giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH.

Chính phủ nhấn mạnh, năm 2018, Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương ban hành theo kế hoạch và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm quy định đầy đủ hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện chính sách.  Các Bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm và Bộ luật Hình sự năm 2015. Bổ sung quy định về kết nối cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, chế độ thống kê, báo cáo về BHXH cùng với quá trình hiện đại hóa quản lý BHXH để phục vụ tốt hơn công tác quản lý đối tượng tham gia, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Giải pháp về nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương trong việc quản lý đối tượng, nắm bắt số lượng đơn vị sử dụng lao động được thành lập mới hoặc giải thể, phá sản; số lao động đang làm việc tại các đơn vị sử dụng lao động để xác định đối tượng thuộc diện tham gia; có các giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động, yêu cầu người sử dụng lao động tham gia BHXH đúng theo quy định của pháp luật.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ ngày 01 tháng 01 năm  2018. Chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ ngành BHXH, cán bộ làm công tác BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động cũng như các đại lý thu, chi BHXH; khắc phục các hạn chế trong công tác chi trả qua hệ thống bưu điện trong thời gian qua.

Tăng cường công tác quản lý việc xét duyệt, giải quyết hưởng các chế độ BHXH bằng hình thức giao dịch điện tử để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, đồng thời ngăn chặn các hành vi lạm dụng quỹ. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức tổ chức thu và chi trả các chế độ BHXH; đẩy mạnh thu, chi BHXH qua ngân hàng theo tinh thần Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Đồng thời Chính phủ kiến nghị, đề xuất với Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại TƯ và địa phương, đặc biệt là vấn đề về nợ đóng, chậm đóng BHXH; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Quy định mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp gắn với hiệu quả công tác quản lý, khuyến khích phát triển đối tượng tham gia BHXH. Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị TƯ 7 Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để thể chế hóa Nghị quyết của TƯ về chính sách BHXH./.

Đọc thêm