Hành vi trục lợi tinh vi, có tổ chức…
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chế độ ốm đau, thai sản ưu việt nhất châu Á, bởi thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 6 tháng, trong khi đó mức bình quân của thế giới chỉ được 3,5 tháng. Bên cạnh đó, còn có chế độ thai sản cho lao động nam có vợ sinh con; chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ; chế độ ốm đau cho NLĐ có con dưới 7 tuổi bị ốm.
Theo đó, chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản sẽ giúp bù đắp tiền lương cho NLĐ khi họ phải nghỉ việc. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lạm dụng, trục lợi chế độ này.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2007 - năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), cả nước có khoảng 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; 300.000 lượt người hưởng chế độ thai sản; 750 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe (DSPHSK). Như vậy, cứ 100 người tham gia BHXH thì có 27 lượt người hưởng chế độ ốm đau, 4 lượt người hưởng chế độ thai sản và 11 lượt người hưởng DSPHSK.
Tuy nhiên, đến năm 2017, đã có khoảng 7,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, gần 1,8 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản và 320 lượt người hưởng DSPHSK. Tính theo tỷ lệ, cứ 100 người tham gia BHXH thì có 50 lượt người hưởng chế độ ốm đau (gấp 2 lần năm 2007) và 12 lượt người hưởng chế độ thai sản (gấp 3 lần năm 2007).
Cùng với đó, tỉ lệ chi 2 quỹ này trên số thu cũng có xu hướng tăng. Năm 2008, thu được gần 4.640 tỉ, nhưng chi lên tới 3.000 tỉ đồng. Từ năm 2008 đến 2011, tỉ lệ chi bình quân khoảng 64% số thu; đến năm 2012 tăng lên 80%; từ năm 2013 đến năm 2016 (do điều chỉnh thời gian nghỉ hưởng thai sản từ 4 lên 6 tháng) nên số chi xấp xỉ bằng số thu. Năm 2017, số thu tương đương số chi khoảng 20.000 tỉ đồng.
Được biết, Quỹ ốm đau, thai sản trong thời gian dài có kết dư, nhưng từ năm 2015 bắt đầu mất cân đối. Đến năm 2015, tổng số chi vượt tới 101,5% tổng số thu và đang có xu hướng gia tăng tiếp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi Quỹ rất tinh vi, như: Giả mạo chứng từ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; mua bán, cấp khống giấy tờ, hồ sơ hưởng chế độ; thành lập các công ty “ma” nhằm mục đích trục lợi quỹ; hoặc có trường hợp mới đăng ký tham gia BHXH đã hưởng ốm đau nhiều ngày, sau đó không tham gia nữa.
Về phía ngành BHXH, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng trục lợi quỹ ốm đau, thai sản vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức, thậm chí là hành vi có tổ chức, như: Gửi đóng BHXH, tăng mức đóng cao bất thường, làm giả giấy tờ, con dấu. Nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan Công an để xử lý. Trong năm 2017, BHXH các địa phương đã từ chối thanh toán chế độ này của trên 520.000 lượt người với nhiều lý do khác nhau, như: Hồ sơ không hợp lệ, hồ sơ giả, hưởng trùng chế độ, đã hưởng hết chế độ, không đủ điều kiện hưởng...
Giải pháp nào chấn chỉnh tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng chế độ ốm đau, thai sản là do việc cấp các giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ còn khá dễ dãi, nhất là tại các cơ sở y tế tuyến xã, y tế của các DN (chủ yếu là DN nhà nước). Một số cơ sở y tế và UBND cấp xã cố tình cấp khống giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, thai sản để cùng trục lợi. Còn một số trường hợp trục lợi không vì lý do chiếm đoạt tiền, mà chỉ nhằm mục đích được nghỉ việc.
Bên cạnh đó, quy định về điều kiện, mức hưởng còn khá rộng rãi (chỉ cần đơn vị đăng ký tham gia BHXH thì NLĐ bị ốm sẽ được hưởng trợ cấp ốm đau; điều kiện tối thiểu để hưởng chế độ khi sinh con là 6 tháng đóng BHXH trong thời gian 12 tháng trước khi nghỉ sinh…). Trong khi các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, HĐLĐ, tiền lương... được giảm thiểu để cải thiện môi trường kinh doanh, dẫn đến việc lợi dụng các quy định này để hưởng lợi.
“Chế độ ốm đau, thai sản thực sự đi vào đời sống và là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho NLĐ trước các rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, tỉ lệ lượt người hưởng chế độ trên số người tham gia BHXH tăng gần 2-3 lần sau 10 năm; số chi từ quỹ ốm đau và thai sản tăng nhanh hơn số thu - nên nếu không có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, dễ dẫn đến nguy cơ tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước”- ông Dung khẳng định.
Được biết, thời gian qua, phía BHXH Việt Nam cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh và UBND cấp xã rà soát, phát hiện các trường hợp gian lận, giả mạo hồ sơ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội sửa đổi chính sách BHXH theo hướng hài hoà hơn trong quan hệ đóng - hưởng để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng này.