Chính sách hỗ trợ đường dài - chỗ dựa cho trẻ mồ côi vì đại dịch

(PLVN) - Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP HCM, hiện thành phố có 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồ côi từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Có 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồ côi từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Trong 1.517 học sinh mồ côi, có hơn 490 em bậc tiểu học, 580 em THCS, còn lại ở bậc THPT, giáo dục thường xuyên. Về việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, căn cứ khoản 1 điều 5 Chương II Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ em mồ côi cả cha mẹ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Bên cạnh đó, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mę được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân, cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Các quận, huyện, TP Thủ Đức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì COVID-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh, người còn lại nhiễm đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3 - 5 triệu đồng/trẻ cùng gạo, sữa, mì, dầu ăn.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc Covid-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

Có thể thấy, mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ phải chịu đựng không chỉ những tổn hại về tâm lý, mà điều kiện sống, điều kiện môi trường cho trẻ lớn lên cũng chịu những tác động nhất định. Những vấn đề này, theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cần sớm được nhìn nhận và có các chính sách phù hợp.

Theo bà Linh, mặc dù chúng ta liên tục có những chính sách thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ, tuy nhiên vẫn còn chậm, chính sách và hướng dẫn vẫn chạy theo dịch, nghĩa là khi phát hiện các vấn đề với trẻ em như các em đi cách ly không có người chăm sóc, không có quần áo thực phẩm thì chúng ta mới đáp ứng, trẻ bị ảnh hưởng tinh thần thì chúng ta mới nghĩ cách…

“Cần thảo luận sớm các chính sách hỗ trợ đường dài, chính sách cần hệ thống, hỗ trợ toàn diện, chăm sóc thay thế, hỗ trợ kinh tế và chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ. Các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng tham vấn với các bên liên quan các tổ chức xã hội làm về trẻ em để có chính sách hỗ trợ ngắn và dài hạn càng sớm càng tốt”, bà Linh đề xuất.

Đọc thêm