Ưu, nhược điểm
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77 về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước.
Tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Bên cạnh các kết quả đạt được, theo ông Dũng, thực tiễn cho thấy việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập. Tính đến thời điểm hiện nay, các dự án BOT giao thông trong quá trình thực hiện hợp đồng đã xong giai đoạn xây dựng, đang vận hành, kinh doanh và đều được triển khai theo quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP.
Thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án này cho thấy hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí…. “Việc xây dựng khung pháp lý với hiệu lực cao hơn (cấp Luật) góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, khắc phục được các tồn tại, bất cập do khâu thực thi trong bối cảnh thiếu chế tài đối với hành vi vi phạm”, ông Dũng nói và cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 11 chương với 102 điều.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh của dự án luật một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng luật.
Cụ thể, việc điều chỉnh các hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam và rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đặc thù đối với đầu tư PPP ngay tại dự thảo luật hay sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Thanh, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
“Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo Luật”, ông Thanh nói.
Luật cần có quy định chặt chẽ
Cho rằng cần đánh giá thêm về quá trình sử dụng đất, lấy đất đổi công trường đã thực hiện trong thời gian qua, xem cái gì làm được và chưa được để rút ra bài học kinh nghiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng chính sách kinh tế phải đủ rõ, minh bạch, công khai; tuy nhiên trong luật vẫn còn 12 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn trong khi đây đều là những điều luật quan trọng, do đó phải quy định ngay trong luật để đảm bảo tính công khai minh bạch. Bên cạnh đó dù dự thảo luật đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nhưng thiếu việc lấy ý kiến của các hiệp hội, cá nhân…
Bày tỏ nhiều băn khoăn đối với dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt một loạt câu hỏi đối với Ban soạn thảo: Trong thời gian thực hiện các dự án PPP đến nay hạn chế nào là lớn nhất? Làm gì để khắc phục được các hạn chế đó? Đặc biệt, trong các dự án BOT, chúng ta lại chỉ thu hút được vấn đề giao thông còn không thấy các lĩnh vực khác, vậy có bất cập gì?
Bà Nga nhấn mạnh, bản chất các dự án BOT là hợp đồng, do đó, khi ký hợp đồng thì cơ quan nhà nước phải ký cho đúng, chứ không phải làm sai rồi lại chia sẻ rủi ro. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình kiến nghị, luật cần có quy định đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính minh bạch.
Quan trọng phải đảm bảo phần vốn của Nhà nước, không được để Nhà nước bị bất lợi vì thời gian qua có việc đất và tài sản Nhà nước đưa vào ban đầu phải nhường lại cho nhà đầu tư để bù đắp vào phần lỗ, nghĩa là họ kinh doanh ngay trên đất của chúng ta vậy luật có quy định nào để xử lý vấn đề này?
“Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng đối với nông dân chúng ta đã có chính sách chia sẻ rủi ro với nông nghiệp chưa mà bây giờ đến vấn đề PPP ta lại đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro? Trong khi nông nghiệp vẫn cảm thấy chưa chia sẻ rõ với nông dân về rủi ro. Hàng năm, khi nông dân gặp vấn đề xong thì ta nói tại thị trường như thế, nông dân ráng mà chịu”, ông Bình nêu và cho rằng đây là vấn đề cần phải lưu tâm.
Cho rằng đây là vấn đề đáng quan tâm, cần phải kiểm soát chặt chẽ, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nói: “Vừa qua khi làm các dự án BOT và BT, cơ quan Nhà nước ký với nhà đầu tư và nhà đầu tư có ứng trước tiền nhưng khi đấu giá có tính hạ tầng vào không vì đất không có hạ tầng khác với đất có hạ tầng. Vừa qua đã có sự lãng phí là đổi đất lấy công trình khiến người dân phần nào mất lòng tin cho nên luật cần những quy định cụ thể”, ông Phúc cho hay.