Sử dụng QR để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Thông tư 01/2023 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, hiệu lực từ ngày 25/5.
Việc áp dụng cung cấp mã QR phải bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006). Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, mã QR phải bao gồm mã số hồ sơ; mã thủ tục hành chính; mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; tên giấy tờ được xuất bản, tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu và thời điểm xuất bản.
Ngoài ra, mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).
Từ 30/5, giáo viên tiểu học, THCS hạng I không cần có bằng thạc sĩ
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023 sửa đổi 4 thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập gồm 04 Thông tư: Thông tư 01/2021 về giáo viên mầm non, Thông tư 02/2021 về giáo viên tiểu học, Thông tư 03/2021 về giáo viên THCS và Thông tư 04/2021 về giáo viên THPT.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tiểu học hạng I, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc ngành quản lý giáo dục và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I.
Tuy nhiên, theo Thông tư mới, giáo viên không bắt buộc có bằng thạc sĩ mà chỉ cần bằng cử nhân trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT; thay vì theo các hạng 1, hạng 2, hạng 3 hoặc hạng 4 như hiện nay.
Cụ thể, giáo viên mầm non sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Giáo viên tiểu học sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Giáo viên THCS sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS. Giáo viên THPT sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.
Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên THCS đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên THPT đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30-6-2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư 08.
Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.
Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng giáo dục mầm non
Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2023.
Theo Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT, chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (gọi chung là học phần). Chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường, bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.
Tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử
Thông tư 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Thông tư nêu rõ các tiêu chí để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Tiêu chí đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiêu chí đối với dịch vụ công trực tuyến một phần trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiêu chí lựa chọn thủ tục hành chính được thực hiện rà soát, xin đánh giá để cung cấp dịch vụ công trực tuyến.