Chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 8/2018

(PLO) - Từ ngày 21 - 31/8/2018 nhiều chính sách nổi bật về Tài chính nhà nước, Văn hóa - Xã hội,... chính thức có hiệu lực.


Chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 8/2018

Chính thức tăng mức chuẩn trợ cấp hàng tháng cho người có công

 Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Theo đó, tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng.

Tương ứng với mức tăng trên, trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng so với trước đây, đơn cử như:

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 diện thoát ly: 1.693.000 đồng/tháng (tăng 110.000 đồng so với quy định cũ);

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 diện không thoát ly: 2.874.000 đồng/tháng (tăng 186.000 đồng);

Người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: 1.566.000 đồng/tháng (tăng 101.000 đồng);

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến: 1.270.000 đồng/tháng (tăng 82.000 đồng);…

Nghị định 99/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 27/8/2018; các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi mới được thực hiện từ 01/7/2018.

Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp trong tố tụng dân sự

 Ngày 21/6/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 09/2018/TT-BTP quy định Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) phức tạp, điển hình.

Theo đó, vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng dân sự, trừ việc dân sự, vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn, được xác định là vụ việc TGPL phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Đáp ứng một trong những tiêu chí chung đối với vụ việc tham gia tố tụng;

TGPL trong vụ việc mà quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất; chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp;

TGPL trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp dưới nhưng được tòa án nhân dân cấp trên lấy lên để giải quyết;

TGPL trong vụ việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Thông tư 09/2018/TT-BTP có hiệu lực ngày 21/8/2018.

Quy định mới về tiêu chí lựa chọn đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia

Nội dung này được quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 36/2013/TT-BTC quy định về xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia có hiệu lực ngày 23/8/2018.

Theo đó, tiêu chí lựa chọn đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia gồm:

Phù hợp với nguyên tắc lập đề án; Nội dung hoạt động khuyến công có tác động khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên phạm vi quốc gia, vùng, địa phương; Phù hợp với mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đơn vị thực hiện đề án không vi phạm hợp đồng khuyến công quốc gia trong 02 năm gần nhất.

Ưu tiên lựa chọn các đề án điểm; đề án có ngành nghề, địa bàn ưu tiên theo quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn về khuyến công;

Trường hợp các đề án triển khai trên địa bàn có điều kiện như nhau, ngành nghề như nhau thì ưu tiên lựa chọn đề án của đơn vị có kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện tốt hơn.

Thay đổi cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Nội dung này được đề cập tại Quyết định 29/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ.

Theo đó, cơ cấu tổ chức mới của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ không còn Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi đua, khen thưởng như quy định hiện hành.

Quyết định 29/2018/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 30/8/2018, thay thế Quyết định 05/2015/QĐ-TTg  ngày 12/02/2015.

Đọc thêm