Chính sách và cuộc sống

(PLO) - Theo dõi vụ việc ồn ào trên báo và mạng xã hội ở Hãng phim Truyện Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hãng phim) gần đây thấy “mâu thuẫn” gần như lên đến đỉnh điểm. Bức xúc giữa hai bên tích tụ có thể “bùng nổ” bất cứ lúc nào. Tiếc là các cơ quan chức năng vào cuộc muộn quá, chậm quá.
Chính sách và cuộc sống

Người viết bài này “mạo muội” khẳng định 2 việc: Cổ phần hóa (CPH) Hãng phim là đúng; văn nghệ sỹ phải làm quen với cơ chế thị trường là đúng. Tuy nhiên, bài học ở vụ “lình xình” mà bề nổi là “khẩu chiến” trên báo chí là gì?.

Thứ nhất, vẫn biết, chúng ta đang ở thời kỳ làm quen với “kinh tế thị trường”. Hơn 30 năm không thể gọi là “đủ” với một “thiết chế kinh tế”. Xin nhớ rằng, chủ nghĩa tư bản hoàn thiện nền kinh tế thị trường “hoàn hảo” như hôm nay đã mất 300 năm. Kinh tế thị trường của chúng ta lại định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn chưa có tiền lệ. Trong hoàn cảnh đó, “tư bản hoang dã”, trọc phú nổi lên, gặp đúng thời kỳ thực hiện chủ trương CPH,  môi trường pháp lý còn “cọc cạch”, “nhóm lợi ích”, “chủ nghĩa thân hữu” khó kiểm soát do vậy “vấp – ngã” là việc bình thường. 

Rất khó cho Bộ chủ quản khi lựa chọn “nhà đầu tư chiến lược”. Có điều, liệu quá trình CPH Hãng phim có phải chỉ có duy nhất ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vivaso là duy nhất? Do vậy có lẽ bài học đầu tiên đó là lựa chọn “cổ đông chiến lược” khi bán, nhất là với những đơn vị như Hãng phim, không thể họ cứ “xòe tiền” ra là bán.

Thứ hai, Hãng phim Truyện Việt Nam là một phần lịch sử, đã đồng hành cùng lịch sử. Dù là ông chủ nào thì cũng phải tôn trọng giá trị đó. Không phải cứ trở thành ông chủ rồi thì muốn làm gì thì làm. Lao động nghệ thuật là loại hình trừu tượng, đặc biệt. Văn nghệ sỹ, những người góp phần tạo ra lịch sử Hãng phim có tâm hồn, trái tim nhạy cảm. Do vậy không thể đối xử với họ thô bạo như những người làm thuê khác. Phương pháp quản trị đơn vị văn hóa không thể giống quản trị doanh nghiệp cầu đường và vận tải.

Cách hành xử với văn hóa chỉ có thể là văn hóa. Suy cho cùng nghĩa vụ của pháp luật cũng nhằm mục đích xây dựng văn hóa, bảo vệ văn hóa.

Thứ ba, tiến trình CPH hiện nay đã và đang xác lập một quan hệ mới, đó là ông chủ và người làm thuê. Giai đoạn lịch sử tất cả đều “làm chủ tập thể” đã lùi vào quá khứ. Do vậy, văn nghệ sỹ cũng nên chủ động hợp tác với ông chủ mới của mình, các dự án làm phim phải gắn với thị trường. Điều này thì ông chủ có tiền mua Hãng phim chắc chắn không nghĩ ra được

Tối 2/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình CPH Hãng phim Truyện Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2017. Theo chúng tôi, thời gian thanh tra Hãng phim như thế là quá dài. Hành động như vậy là chậm. 

Nhà nước sẽ không “quốc doanh” lại Hãng phim bởi xu thế CPH là không thể đảo ngược, có điều phải xử lý nghiêm nếu CPH sai phạm. Đó mới là điều cuộc sống luôn đặt ra.

Đọc thêm