Thế nhưng khảo sát tại 5 làng nghề gỗ nổi tiếng cho thấy 74,5% số hộ không đăng ký kinh doanh (ĐKKD), 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, 100% lao động làm việc theo hợp đồng miệng, khoảng 90% các giao dịch thiếu bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ…
Hoạt động phi chính thức
Khảo sát do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và tổ chức Forest Trends thực hiện tại 5 làng nghề gỗ lớn vùng sông Hồng gồm: Làng nghề gỗ Hữu Bằng; làng nghề gỗ Vạn Điểm; làng nghề gỗ Liên Hà; làng nghề gỗ Đồng Kỵ; làng nghề gỗ La Xuyên.
Các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao, phục vụ nhóm khách hàng khá giả tại thị trường nội địa (La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ) và xuất khẩu (Đồng Kỵ). Một số làng (Liên Hà, Hữu Bằng) sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào rủi ro thấp, thân thiện về môi trường, bao gồm gỗ nhập khẩu từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước và các loại ván công nghiệp để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng bình dân trong nước.
Theo ông Đặng Việt Quang (Forest Trends) hoạt động của các hộ tại làng nghề là hoạt động phi chính thức, bởi hoạt động SXKD của các hộ tại làng nghề chưa được công nhận một cách chính thống bởi hệ thống pháp luật hiện hành. “Các rủi ro, khó khăn, hạn chế về hiểu biết và mối quan tâm của các hộ trong làng nghề về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ sau chế biến, về sử dụng lao động, tuân thủ quy định về môi trường… là các đặc điểm nổi bật của một ngành kinh tế phi chính thức…”- Ông Quang nhận xét.
Kết quả khảo sát cho thấy, 74,5% số hộ được khảo sát không ĐKKD, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động thuê bởi các hộ là hợp đồng miệng, khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ… Đây là các khía cạnh cơ bản phản ánh hoạt động SXKD phi chính thức tại các làng nghề.
“Tuy nhiên, hoạt động phi chính thức không nhất thiết là bất hợp pháp. Ví dụ, khung pháp lý hiện hành chỉ quy định hộ phải ĐKKD nếu nguồn thu của hộ vượt khỏi ngưỡng thu nhập thấp do UBND tỉnh quy định. Khung pháp hiện hành cũng cho phép các hộ thuê lao động vì các hoạt động mang tính chất sự vụ, không ổn định không phải ký hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy rằng mặc dù một số hộ thuộc diện bắt buộc phải ĐKKD, hoặc sử dụng lao động ổn định, dài hạn hộ vẫn chưa tuân thủ theo quy định này. Điều này làm cho hoạt động SXKD của hộ trở thành bất hợp pháp. Điều này có nghĩa rằng các sản phẩm được sản xuất ra bởi các hộ ẩn chứa một số yếu tố bất hợp pháp…”- Đại diện Forest Trends phân tích.
Chính thức hóa hộ kinh doanh
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Viforest, đến nay, hoạt động của các hộ SXKD tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đặc biệt, hiểu biết và mối quan tâm của các hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ.... liên quan trực tiếp đến các hoạt động của hộ còn hạn chế…
“Hạn chế về hiểu biết và mối quan tâm của hộ tại các làng nghề hiện nay một phần là do các cơ chế thực thi luật pháp cấp địa phương, đặc biệt là cấp xã và huyện còn thiếu và yếu. Đến nay, các tương tác giữa các hộ và các cơ quan quản lý rất hạn chế. Các tương tác nếu có chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và các DN, là các chủ thể có quy mô SXKD lớn hơn nhiều so với quy mô của các hộ. Hoạt động SXKD của các hộ chưa nhận được mối quan tâm của các cơ quan quản lý, bởi quy mô nhỏ lẻ và không có vai trò trong tạo nguồn thu cho ngân sách…” – Ông Tô Xuân Phúc (Foresst Trands) nhận xét.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất của các làng nghề hiện nay chính từ các yêu cầu của hội nhập. Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) được Chính phủ Việt Nam và EU cơ bản thống nhất vào tháng 5 /2017 có mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Hiệp định đưa ra các quy định cụ thể về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ, bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất ra bởi các hộ thuộc làng nghề. Các quy định này đòi hỏi các hộ cần đáp ứng các yêu cầu pháp lý có liên quan đến vận chuyển và buôn bán gỗ, trong chế biến và hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, phí.
“Với thực trạng sản xuất, kinh doanh của các hộ trong làng nghề hiện nay, hầu hết các hộ tại các làng nghề được khảo sát không thể đáp ứng với các quy định này. Do vậy chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập là hỗ trợ chính thức hóa các hộ này.. “- Ông Tô Xuân Phúc khẳng định.
Theo ông Phúc, chính thức hóa là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của VPA, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về các khía cạnh như sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường. Chính thức hóa sẽ có cơ hội giúp hộ cải thiện điều kiện làm việc, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) , ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, xu thế chung của toàn thế giới là truy xuất được nguồn gốc, Việt Nam nhờ các đàm phán về lâm nghiệp nên chưa bị “thẻ vàng”. “Nhưng còn tới 74,5% hộ sản xuất ở các làng nghề này chưa ĐKKD thì đây là thách thức lớn. Do vậy, để đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, sau này cần kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển, bán sản phẩm… đi từ đối tượng là sản phẩm sang kiểm tra kiểm soát người sản xuất ra sản phẩm đó…”- Ông Hà đề xuất.