Chợ nổi Cái Răng cần được thay “áo mới“

(PLO) - Là một trong những điểm đến thú vị nhất của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) từng được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới; được trang web Youramazingplaces đưa vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á. Tuy nhiên, sản phẩm nghèo nàn, buôn bán nhàm chán, môi trường ngày một mất vệ sinh... khiến chợ nổi Cái Răng đang dần mất đi sức hút...

Cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng.
Cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng.
Nhiều bất cập làm chợ nổi giảm sức hấp dẫn
Chợ nổi Cái Răng có truyền thống lịch sử lâu đời với quy mô tương đối lớn, hàng ngày có từ 300 đến 500 phương tiện ghe, tàu, xuồng mua bán với phong phú các loại hàng hóa, dịch vụ trên sông như: trái cây, rau củ, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng, các mặt hàng thực phẩm và các dịch vụ hỗ trợ như đò ngang, ghe bán đồ ăn, thức uống, trạm xăng nổi, du thuyền… đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của du khách. 
Tuy nhiên, thời gian qua khu vực chợ nổi vẫn tồn tại nhiều bất cập kéo dài khiến chợ nổi Cái Răng đang đứng trước nguy cơ bị “chìm”. Đó là tình trạng các hộ dân trên bờ và người mua bán, sinh hoạt trên sông có thói quen vứt rác xuống sông, đi vệ sinh tùy tiện, chưa kể các chất thải khác xả thẳng xuống sông gây ô nhiễm môi trường nước. 
Thêm vào đó, sản phẩm mua bán trên chợ nổi, các dịch vụ khác đôi khi được bán với khá cao khiến nhiều du khách, trong đó có khách quốc tế e dè; một vài tiểu thương ứng xử chưa thân thiện, văn minh với khách; vệ sinh an toàn thực phẩm trên chợ nổi chưa đảm bảo; an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được đảm bảo... Đây là những nguyên nhân làm giảm đi sức hấp dẫn của điểm du lịch nổi tiếng này. 
Hoa quả được bán tại chợ nổi Cái Răng
Hoa quả được bán tại chợ nổi Cái Răng 
Anh Quốc Tuấn, phụ trách tour du lịch chợ nổi Cái Răng, chia sẻ: “Tôi là người dẫn khách, từng chứng kiến nhiều cảnh khách Tây lẫn khách ta đều bị hét giá khi mua quà, trái cây... Khách du lịch phàn nàn nhiều lắm vấn đề vệ sinh kém của dân mình, họ thắc mắc nhiều về cách ứng xử thiếu tôn trọng môi trường của một số người bán hàng ở đây. Thấy khách du lịch phản ứng mình cũng mắc cỡ lắm!” .
“Diện mạo” mới cho chợ nổi
Nhằm tạo “diện mạo” mới cho chợ nổi Cái Răng, hôm 11/11 TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, các hộ tiểu thương mua bán trên chợ nổi trong việc bảo vệ môi trường trên sông, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, ứng xử thân thiện với nhau, đặc biệt là với khách du lịch.
Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng.
Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng. 

Cũng có ý kiến đề nghị cần thành lập Ban quản lý chợ nổi, tổ chức thuê phương tiện thu gom rác thải hàng ngày đưa đến điểm xử lý theo quy định; xây dựng điểm vệ sinh công cộng phục vụ tiểu thương và khách du lịch; tổ chức chiến dịch thu gom và xử lý rác thải, quy định các ghe, tàu, xuồng buôn bán trên sông, các phương tiện chuyên chở khách tham quan phải có dụng cụ đựng rác. Ý kiến khác thì yêu cầu chủ tàu và hướng dẫn viên nhắc nhở du khách về ý thức bảo vệ môi trường trong lúc tham quan...

Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về du lịch và việc đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ cho các chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch, tiểu thương và người dân địa phương để họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch tại chỗ, theo phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”; hỗ trợ tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh mua bán, dịch vụ ăn uống trên chợ nổi; thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các hộ dân, phương tiện cố tình vi phạm và vận động, khuyến khích các tiểu thương niêm yết giá cả hàng hóa khi bán cho khách du lịch; hỗ trợ các hộ tiểu thương, nhà vườn có điều kiện mua bán hàng hóa, nông sản trên sông...