Chọn ngành trước chọn trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trường đại học tốp đầu ở Việt Nam vẫn luôn là niềm mơ ước của nhiều học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đủ điểm để vào những ngôi trường này. Và nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quan trọng hơn chọn trường chính là chọn được ngành học phù hợp với mỗi người.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NH)
Ảnh minh họa. (Nguồn: NH)

Tỷ lệ cạnh tranh cao

Từ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2023 do Bộ GD&ĐT công bố, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đại học PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhận định, kết quả thi năm 2023 tương đối ổn định so với những năm trước, đồng thời vẫn có sự phân hóa tốt giữa các thí sinh. Do đó, đây vẫn là kết quả đáng tin cậy để các trường đại học có thể sử dụng trong xét tuyển.

Với sự thay đổi phương thức tuyển sinh của các trường đại học, nhiều thí sinh hiện đã trúng tuyển đại học sớm bằng cách xét học bạ, xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế kết hợp với điểm học bạ, hoặc tham gia các kỳ thi riêng của trường đại học.

Cụ thể, vào tháng 6 năm 2023, một số trường đại học đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển sớm theo nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Điểm trúng tuyển thường dao động từ 27 - 30 điểm, như Đại học Ngoại thương có những ngành chạm mốc điểm 30. Bằng các phương thức xét tuyển sớm, Đại học Ngoại thương đã hoàn thành 60% chỉ tiêu tuyển sinh, 40% còn lại sẽ dành cho những thí sinh sử dụng điểm thi THPT quốc gia.

Do có nhiều phương thức tuyển sinh nên các thí sinh xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia vào các trường sẽ gặp khó khăn hơn. Các em cần có một “chiến lược” tốt khi đặt nguyện vọng xét tuyển đại học, tránh bị trượt tất cả những trường đại học đã đăng ký.

“Chiến lược” đăng ký xét tuyển

Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đại học - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ, với xu hướng đào tạo đa ngành, xuyên ngành như hiện nay, sinh viên khi ra trường có rất nhiều cơ hội để làm việc. Khi các em xác định được ngành nghề muốn theo đuổi sẽ tạo ra động lực để thực hiện ước muốn, tiếp theo mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó.

ThS Diêm Thị Thùy (Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội) đã có nhiều năm tham gia tuyển sinh cho biết, việc chọn ngành nghề và trường đại học nên lựa chọn trên 3 yếu tố: Thứ nhất, phù hợp với năng lực bản thân; Thứ hai là đam mê và cuối cùng là nhu cầu xã hội. Qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc với sinh viên, ThS Thùy cho biết, vào được những trường tốp đầu là niềm mơ ước của nhiều thí sinh, tuy nhiên, không phải tất cả các em đều may mắn đỗ. Việc quan trọng là định hướng được ngành nghề mà mình muốn theo đuổi, vì hiện nay, các trường đại học rất đa dạng về ngành đào tạo.

ThS Diêm Thị Thùy cũng nhận định, không phải cứ tốt nghiệp từ những trường hàng đầu ở Việt Nam là sẽ có cơ hội tốt hơn. Ở cấp bậc đại học, việc tự học, tự trau dồi, phát triển năng lực của sinh viên là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các em trong tương lai.

Nói về chất lượng đào tạo của các trường, ThS Diêm Thị Thùy chia sẻ, mỗi ngành được mở trong trường đại học đều phải đáp ứng được quy định chung của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, cứ 5 năm một lần, các trường, các khoa phải kiểm định lại chất lượng đào tạo nghiêm ngặt ở trung tâm kiểm định, trong đó tổng hợp rất nhiều đánh giá thông qua phiếu khảo sát gửi cho cựu sinh viên, những doanh nghiệp… Vì vậy, ở bất cứ ngành đào tạo nào, các trường đại học đều quan tâm chặt chẽ chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đầu ra của sinh viên. Nếu như sinh viên có đủ đam mê với ngành học của mình, thì ở trường nào các em vẫn có thể dễ dàng nhận được sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô để phát triển năng lực.

Đọc thêm