Ước mơ về nhà ngoại đón Tết
Liên tục trong hai cái tết của năm 2017 và 2018, hai bộ phim ngắn “Xuân không màu” và “Xuân không màu 2” đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. “Xuân không màu” – bộ phim được bình chọn là phim Tết hay nhất năm 2017 kể vể một cô gái với dòng suy tư, tình cảm, hồi ức nhớ cha mẹ đẻ và cái Tết xưa xum vầy của cô.
Dẫu biết phận làm con gái đi lấy chồng xa, Tết thường ít được sum vầy cùng cha mẹ ruột, cô gái vẫn không giấu nổi sự nghẹn ngào, nức nở với lời khất lần đã bao nhiêu năm: “Tết năm sau con sẽ về”. “Xuân không màu” còn gây ấn tượng và ám ảnh bởi từng ca từ trong bài hát cùng tên do Tăng Nhật Tuệ sáng tác: “Đường về nhà xa quá mẹ ơi/Chắc xuân naу con không về tới/Khi nắng xuân đang vương khắp nơi/Con vẫn một mình nơi đâу chơi vơi...”.
Ở “Xuân không màu 2”, chàng thanh niên thực hiện khảo sát “Phụ nữ thích quà gì trong dịp Xuân về?” cho công ty và khi thử “khảo sát” vợ mình, anh nhận được câu trả lời: Từ rất lâu rồi, bởi lo lắng cho gia đình, cô vẫn phải khước từ trong nước mắt lời mời về quê ăn Tết cùng cha mẹ ruột của mình.
Với thông điệp “phụ nữ ăn Tết nhà ngoại”, nhà sản xuất phim ngắn “Xuân không màu 2” chạm đến mong muốn mà hàng triệu phụ nữ giấu kín trong lòng: đón Tết cùng bố mẹ đẻ.
Dàn dựng bộ phim ngắn này vào dịp Tết năm 2018, đạo diễn Huỳnh Lập chia sẻ rằng, “đó là khao khát cháy bỏng, nhưng họ luôn giữ kín không dám thổ lộ với chồng, vì sợ chồng thêm áp lực, sợ ảnh hưởng đến không khí gia đình ngày Tết. Xem xong phim, nhiều người đàn ông sẽ nhận ra rằng vợ mình không đòi hỏi, không có nghĩa là họ không mong muốn, bởi ẩn sau đó là biết bao hi sinh của người bạn đời”.
Khó xử phạt
Hiện nay vẫn còn quan niệm cổ hủ bắt buộc phụ nữ đi lấy chồng phải ăn Tết ở nhà chồng vẫn hằn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người khiến phụ nữ chịu vô vàn thiệt thòi. Thậm chí nhiều người lấy chồng, dù cách nhà ngoại chỉ một đoạn đường thôi nhưng cũng không dám về nhà đón Tết nếu gia đình chồng không đồng ý. Với những nhà chỉ sinh con một bề, Tết đến xuân về là hạnh phúc của người khác còn đối với họ đó là sự buồn tủi, là nước mắt chảy vào trong...
“Không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết, chồng sẽ bị phạt” – đó là chủ đề đang nóng trên truyền thông và các trang mạng xã hội mấy ngày qua. Việc chồng hoặc gia đình nhà chồng cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ không hề hiếm gặp trong đời sống.
Thế nhưng, rất ít người biết rằng đây là một tình huống được pháp luật điều chỉnh và quy định đã có từ lâu trong các văn bản pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình. Cụ thể, theo Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Như vậy có thể thấy theo tinh thần của Luật Hôn nhân và Gia đình, nguyện vọng về ăn Tết với nhà ngoại nằm trong phạm trù “bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình của vợ chồng” và “vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau”.
Còn nếu như người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ sẽ chịu mức phạt theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 52 của Nghị định thì hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ của người chồng (nằm trong nhóm hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó) sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.
TS. Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã từng lên tiếng rằng phạt hành vi bạo lực gia đình như hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì lấy gì làm căn cứ khi không có sự chứng kiến, giám sát hành vi ngay tại thời điểm đó.
Mặt khác, với người giàu thì mức phạt không răn đe, với người nghèo thì ảnh hưởng kinh tế gia đình. Mà đã ảnh hưởng thì chẳng người vợ/chồng nào lại đi khai báo với cơ quan chức năng về việc nhà mình để rồi bị mất tiền.
Thế nên câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có bà vợ nào với tâm lý “xấu chàng hổ ai” và tâm lý “không gây chuyện mất vui ba ngày Tết” mà đi tố cáo chồng cấm đoán mình về nhà ngoại ăn Tết để chồng bị xử phạt?
Luật sư Lê Văn Kiên – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Tuy nhiên để phạt được hành vi cấm đoán của người chồng thì người vợ phải chứng minh được việc cấm đoán đó bằng các hình thức như có thể ghi âm, quay phim, nhờ người làm chứng hoặc khi người chồng thừa nhận hành vi”.
Như vậy có thể thấy mặc dù pháp luật có quy định để bảo vệ mối quan hệ bình đẳng của vợ chồng trước những quan niệm cổ hủ, nhưng khi đi vào thực tiễn thì không dễ tí nào. Do đó, quan trọng nhất vẫn phải dựa vào sự hiểu biết, nhận thức của mỗi vợ chồng.
Hay nói như chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, vợ chồng trên cơ sở thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau hãy ngồi bàn bạc với nhau để bài toán ăn Tết ở đâu phù hợp nhất và không gây đau buồn cho ai cũng như mất lòng bố mẹ hai bên nội ngoại.