Chống dịch Covid-19, bộ đội biên phòng phải ngủ ngay tại đường mòn, lối mở

(PLVN) -“Trong thời điểm dịch Covid-19, lực lượng biên phòng cũng vất vả lắm, phải ngủ lán trại ngay tại đường mòn, lối mở chứ không được ở đồn. Nói “đồn là nhà” nhưng có được sống ở trong đồn đâu”.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ điều này tại Phiên họp 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay ( 25/3), khi thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết ban hành luật. Bởi, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã được thực thi 20 năm. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, chính sách với bộ đội biên phòng, tránh trùng lắp về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực thi nhiệm vụ

Là trách nhiệm "liên quân"

Băn khoăn về lực lượng bảo vệ biên giới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đã nói tới biên giới lãnh thổ là phải nói đến sự toàn vẹn lãnh thổ. “Lâu nay chúng ta hay nói là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhưng dự thảo luật lại quy định co lại cho một bộ phận lực lượng thì chưa hợp lý”- ông Giàu nói. 

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, đề nghị bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ của các chủ thể khác trong nhiệm vụ bảo vệ biên phòng vì “hàm lượng quy định về các chủ thể khác còn ít”.

Khẳng định dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, công phu nhưng ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án luật khái niệm “Thế trận biên phòng toàn dân”. Làm được điều này chúng ta mới có căn cứ xây dựng những vấn đề chung về thế trận tại biên giới, như bố trí dân cư, bố trí giao thông biên giới, đường tuần tra, vành đai biên giới…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, chính sách biên phòng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng tầm quan hệ đối nội và đối ngoại. Và thực tế trong thời gian qua vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Bà Phóng cho biết, vấn đề xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển cũng như phối hợp trong xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu là trách nhiệm của “liên quân”. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương các địa bàn và các khu vực phòng thủ chứ không phải chỉ mình lực lượng biên phòng. 

Liên quan đến chính sách đối với lực lượng biên phòng, dù có những đặc thù riêng, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, những đặc thù này là gì thì dự luật quy định chưa rõ. “Những lực lượng đưa lên đây thời gian bao lâu? Chính sách đất ở, đất sản xuất, đảm bảo đời sống của anh em cán bộ chiến sĩ ra sao? Trách nhiệm của địa phương trong công tác phối hợp là gì? Tôi cho rằng trách nhiệm của địa phương rất quan trọng, khi khẩu hiệu chúng ta nói “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, nhưng muốn người ta ở lại quê hương lâu dài thì chính sách phải đảm bảo cho gia đình cán bộ, chiến sĩ biên phòng có thể tâm công tác, gắn bó dài lâu”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Tăng cường đầu tư chính sách cho công tác biên phòng

Quan tâm tới tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải rà soát lại xem dự án luật này có chồng chéo với các luật khác hay không (như Luật Biên giới quốc gia…) và nếu có sự trùng lắp giữa các luật này thì xử lý thế nào? 

Bà Nga cũng đề xuất nên tăng cường đầu tư chính sách cho công tác biên phòng và bộ đội biên phòng. Đối với lực lượng thực thi bảo vệ biên giới thì cần phân biệt lực lượng nòng cốt và lực lượng tham gia.

Tán thành với các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn dự thảo luật phải phân định được rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể trong việc bảo vệ biên phòng. Việc làm này đảm bảo không có sự bỏ trống không có cơ quan nào thực thi, đồng thời cũng tránh sự chồng chéo, trùng lắp khi thực thi nhiệm vụ, từ đó phát huy được hiệu quả của công tác phối hợp.

Đã nói về nhiệm vụ bảo vệ biên phòng là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn dân thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nhưng sự vào cuộc này phải trên nguyên tắc một cơ quan chủ trì chính, còn các cơ quan khác phối hợp; phối hợp theo quy chế, nguyên tắc nhất định chứ không phải dễ thì làm, khó thì bỏ”- ông Lưu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung phiên thảo luận.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung phiên thảo luận.

Đánh giá cao cơ quan chuẩn bị hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết dự luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Nhưng từ nay đến khi trình ra Quốc hội phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ để Quốc hội có cơ sở thảo luận, đảm bảo chất lượng hơn. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, bộ đội biên phòng không chỉ bảo vệ biên giới mà còn nhiều nhiệm vụ khác, như giáo dục, y tế, đồng thời là lực lượng tham gia tăng cường cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở, giúp dân, sống cùng dân…, nên những chính sách của nhà nước cho lực lượng này cần thể hiện rõ ràng và cụ thể.

Trong thời điểm dịch Covid-19, lực lượng biên phòng cũng rất vất vả, phải ngủ lán trại ngay tại đường mòn, lối mở chứ không được ở đồn. Nói “đồn là nhà” nhưng có được sống ở trong đồn đâu” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội  Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật, chỉnh lý nội dung để chính thức trình Quốc hội vào thời gian tới.

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết, Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Tình hình thực tế đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng, phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Việc xây dựng luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại....

Mục đích xây dựng luật cũng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Đọc thêm