Chống lạm thu đầu năm học - Bài 4: Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung Quốc, Malaysia, Nhật, Mỹ, Scotland... đều có tổ chức tương tự ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên, chức năng của tổ chức này sẽ khác nhau tùy theo mỗi nước, thậm chí mỗi trường.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 3: Trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu, chi thế nào?

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 2: Dư luận, phụ huynh, giáo viên 'lên tiếng'

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 1: Lùm xùm loạt vụ thu quỹ đến cả tỷ đồng

Mô hình phổ biến ở nhiều nước là hiệp hội phụ huynh và giáo viên (Parent Teacher Association - PTA). Mục đích chính của các tổ chức đại diện cha mẹ học sinh ở các nước là tạo diễn đàn trao đổi những vấn đề bức thiết, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Các hội phụ huynh sẽ phân bổ cụ thể các đầu việc cần thực hiện cũng như quy định rõ ràng về các khoản phí phải đóng.

Trung Quốc

Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường ở Trung Quốc hoạt động nhằm khuyến khích sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động nhà trường, hỗ trợ giáo viên và tổ chức các sự kiện để kết nối gia đình học sinh với nhà trường.

Hàng năm, ban đại diện cha mẹ học sinh các trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh như hội thảo, các cuộc thi, các chuyến dã ngoại...

Singapore và Thái Lan

Ở Singapore, Thái Lan, nhà trường thường liên lạc với cha mẹ học sinh bằng email hoặc điện thoại. Phụ huynh muốn biết về tình hình học tập, rèn luyện của con sẽ được bộ phận hành chính của nhà trường tiếp đón rất chu đáo. Nếu cần, phụ huynh có thể gặp thẳng hiệu trưởng.

Ở Singapore, các khoản phí cần nộp được nhà trường gửi thông báo, phụ huynh sẽ chuyển khoản hoặc thanh toán tự động.

Malaysia

Vào năm 1973, chính phủ Malaysia ban hành chính sách mới yêu cầu tất cả các trường thành lập PTA (còn gọi là PIBG), nhằm kết nối, tạo tương tác giữa phụ huynh và giáo viên.

PTA sẽ tiếp nhận tiền hoặc hiện vật từ các "mạnh thường quân" đóng góp hỗ trợ học sinh và nhà trường.

Mỗi năm, PTA sẽ tổ chức một cuộc họp để bầu các thành viên Ban Chấp hành. Chủ tịch PTA thường được chọn trong số các phụ huynh, còn hiệu trưởng đóng vai trò cố vấn và giáo viên đóng vai trò thư ký.

PTA đóng góp đáng kể cho sự phát triển của trường. PTA có thể hỗ trợ xử lý hành vi sai trái của học sinh, hỗ trợ các hoạt động từ thiện, tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả học tập của học sinh và hỗ trợ tài chính cho các nhà trường. PTA có thể cung cấp học bổng hoặc các khoản trợ cấp cho học sinh.

Trong trường hợp phụ huynh và giáo viên, nhà trường không tìm được tiếng nói chung, PTA sẽ đóng vai trò hòa giải, đưa ra biện pháp giải quyết. PTA sẽ tổ chức và đóng một vai trò quan trọng trong Ngày hội mở, hay còn gọi là Hari permuafakatan, sự kiện mà phụ huynh và giáo viên gặp và trao đổi trực tiếp những vấn đề liên quan đến học sinh...

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, giáo viên và phụ huynh các trường bầu chọn ban điều hành của PTA, có nhiệm kỳ 2 năm, hoạt động dưới sự giám sát và cố vấn của chính quyền địa phương. Các ban điều hành sẽ họp thường kỳ mỗi tuần một lần.

Hàng tháng, các phụ huynh đóng góp một khoản phí nhỏ khoảng 350 yen (khoảng 2,34 USD) để làm kinh phí cho hội, cũng như sẽ tham gia một số hoạt động thường kỳ và một cuộc họp chính hằng năm. Đây là cơ hội giúp các phụ huynh có dịp tiếp xúc và làm quen với nhau.

Nhiệm vụ chính của PTA là sắp xếp các buổi gặp mặt phụ huynh, sản xuất các bản tin trong các trường, tạo các bảng phân công giám sát an toàn trên đường học sinh tới trường, vệ sinh trong các lễ hội thể thao...

Mỹ

PTA quốc gia của Mỹ được thành lập vào năm 1897, hiện có trụ sở ở Alexandria, bang Virginia. PTA đóng vai trò thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh trong cộng đồng trường học. PTA cũng là tổ chức vận động hành lang có sức nặng trong các cơ quan lập pháp tiểu bang, đại diện cho lợi ích của học sinh và các trường.

Hội phụ huynh của các trường tham gia vào PTA phải đóng phí cho bang và nhà nước Mỹ. Đổi lại, họ nhận được lợi ích khi là thành viên, đồng thời có tiếng nói trong các hoạt động của tổ chức lớn.

Các trường học không có hội phụ huynh liên kết với PTA thường có “câu lạc bộ gia đình và trường học” hoặc “câu lạc bộ hỗ trợ”. Các câu lạc bộ này chức năng giống PTA nhưng hoạt động như các tổ chức độc lập, không liên kết với bang hay quốc gia, thường được gọi chung là PTO (Parent Teacher Organization).

Các PTA địa phương được xem là PTO nổi tiếng nhất trong khu vực. Đơn vị này tuyển dụng và điều phối tình nguyện viên, tổ chức các lễ trao giải, sự kiện giáo dục, lên kế hoạch cho các hoạt động đề cao vai trò của giáo viên.

PTA đôi khi được coi là một nhóm gây quỹ, nhưng đây không phải là trách nhiệm chính. Ở những bang mà trường học hạn chế về ngân sách, phụ huynh tham gia PTA địa phương có thể gây quỹ để hỗ trợ trang thiết bị tạo sân chơi cho học sinh đến tiền lương cho giáo viên âm nhạc ở tiểu học.

Tại các trường học quyên góp được số tiền lớn, PTA có quyền quyết định đầu tư vào các chương trình, hạng mục. PTA sẽ làm việc với hiệu trưởng và hội đồng trường học để đưa ra quyết định cuối cùng.

Các cuộc họp PTA ở Mỹ thường thảo luận nhiều vấn đề về giáo dục. Qua các cuộc họp, giáo viên có thể phổ biến với cộng đồng phụ huynh về những chương trình như đọc sách hoặc kỷ luật học sinh... Nhiều chuyên gia sẽ góp ý cách xây dựng mối quan hệ với thanh thiếu niên hoặc chia sẻ sáng kiến cải cách trường học. Phụ huynh có thể nêu những lo ngại liên quan đến bài tập về nhà, đề xuất thay đổi chương trình giảng dạy...

Ở cấp trung học phổ thông, PTA có thể mở rộng thành PTSA (Hội phụ huynh – giáo viên – học sinh), nơi người lớn khuyến khích học sinh nêu quan điểm và tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Trong các trường ở cấp này, hội nhóm khác hoạt động song song cũng hỗ trợ mọi thứ từ đội thể thao, dàn nhạc của trường, câu lạc bộ ngoại ngữ, các buổi trình diễn trên sân khấu của học sinh… Kế hoạch cho đêm tiệc cuối năm hay lễ tốt nghiệp được lên kế hoạch và gây quỹ từ sớm.

Anh

Tất cả phụ huynh và giáo viên đều tự động trở thành viên của PTA ở Anh.

Mỗi năm, PTA sẽ tổ chức một cuộc họp lớn vào đầu năm học. Tại cuộc họp này sẽ bầu các thành viên Ban Chấp hành – thường bao gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thủ quỹ, một thư ký và các ủy viên thường trực.

Ủy viên thường trực gồm ít nhất một hoặc hai phụ huynh từ mỗi lớp, được xem là đại diện phụ huynh của lớp đó. Công việc của họ là chuyển thông tin từ PTA cho các phụ huynh khác trong lớp của con mình.

Gây quỹ là một phần chính trong các hoạt động của PTA. PTA tách biệt với trường học và chịu trách nhiệm quản lý số tiền mà họ gây quỹ. Số tiền gây quỹ thường được dành cho các dự án đặc biệt hoặc phục vụ cho việc tổ chức lễ hội, mua các vật dụng bổ sung mà các trường không cung cấp như máy tính, thiết bị sân chơi.

Scotland

Ở Scotland, các trường đều có hội đồng phụ huynh được lựa chọn bởi tất cả các phụ huynh trong trường đại diện cho quan điểm của họ.

Hội đồng không chịu sự quản lý của nhà trường hay chính quyền địa phương, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguyện vọng, ý kiến của phụ huynh luôn được xem xét.

Nhiệm vụ chính của hội đồng này là hợp tác với các trường học để xác định các ưu tiên cần thực hiện để hai bên lắng nghe ý kiến của nhau....

Để giúp tổ chức này hoạt động hiệu quả, Scotland quy định chính quyền địa phương phải hỗ trợ hội đồng phụ huynh về một số mặt như tài chính cũng như đưa ra các tư vấn về các vấn đề liên quan.

Từ năm 2006, Scotland ban hành Đạo luật trường học Scotland hay còn gọi là Đạo luật Phụ huynh tham gia. Luật này yêu cầu các trường học và hội đồng phụ huynh hỗ trợ các phụ huynh tham gia vào các hoạt động của trường học cũng như việc học tập của con mình. Đạo luật cũng cung cấp cho các bậc phụ huynh thông tin họ cần để hỗ trợ con cái và bày tỏ quan điểm cá nhân.

Nhiều năm qua, chính phủ Scotland vẫn luôn cập nhật ý kiến của các phụ huynh cũng như nhà trường để đưa ra các hướng dẫn mới đối với đạo luật này nhằm bắt kịp các xu hướng giảng dạy mới.

* Mời Quý độc giả đón đọc: Chống lạm thu đầu năm học - Bài 5: Có nên loại bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Đọc thêm