Chống tham nhũng ở Trung Quốc: 'Đả Hổ, săn Cáo' giành thế áp đảo

(PLO) - Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chỉ nhận định rằng “cuộc chiến chống tham nhũng đang giành được thế áp đảo”. 
Gần 93% người dân Trung Quốc cảm thấy hài lòng với công tác chống tham nhũng. Trong ảnh: Dẫn độ tội phạm tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài về Trung Quốc quy án
Gần 93% người dân Trung Quốc cảm thấy hài lòng với công tác chống tham nhũng. Trong ảnh: Dẫn độ tội phạm tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài về Trung Quốc quy án

Tuy nhiên, tại một cuộc họp gần đây của giới lãnh đạo cấp cao nước này, ông đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay rằng “cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được thế áp đảo”.  

“Cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được thế áp đảo” được đánh giá là tuyên bố lạc quan nhất từ trước đến nay của ông Tập Cận Bình. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình dường như là sự cố gắng nhằm “nhổ tận gốc rễ” những sai phạm của các quan chức trong chính quyền, chống lại nạn tham nhũng ở Trung Quốc. 

Kỷ luật hơn 400.000 cán bộ

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 5/1 ra thông báo cho biết trong năm 2016, 415.000 cán bộ đã bị kỷ luật do vi phạm quy định, điều lệ của Đảng cũng như những sai phạm khác. 

Theo CCDI, các cán bộ ở nhiều cấp khác nhau đã bị kỷ luật, trong đó có 76 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, cùng với 256.000 cán bộ thuộc các doanh nghiệp và khu vực nông thôn. Từ cuối năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi động chiến dịch quét sạch nạn tham nhũng, bài trừ thói tiêu pha xa xỉ, chỉnh đốn tác phong làm việc và xử lý những sai phạm khác.

Trước khi kết thúc năm 2016, ngày 28/12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị nghiên cứu công tác xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Hội nghị nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm 2017 sẽ tiếp tục chỉnh đốn nghiêm khắc sinh hoạt chính trị trong Đảng, tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia, tăng cường giám sát tình hình chấp hành kỷ luật và truy cứu trách nhiệm, trong sạch hoá bầu không khí chính trị trong Đảng, thúc đẩy chính sách “Trị Đảng nghiêm minh một cách toàn diện” phát triển đi vào chiều sâu.

Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định quyết tâm đẩy lùi và kiềm chế sự gia tăng của tình trạng tham nhũng, đi sâu thúc đẩy công tác xây dựng tác phong liêm chính và chống tham nhũng trong Đảng, từ đó giúp cho người dân thấy được hiệu quả thực tế của chính sách “Trị Đảng nghiêm minh một cách toàn diện”.

Gần đây nhất, ngày 4/1, CCDI đã công bố cuốn thứ 6 “Sách Xanh chống tham nhũng”, trong đó nêu rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014-11/2016, tại hơn 70 quốc gia và khu vực, Trung Quốc đã truy bắt và hồi hương 2.442 người, thu về khoản tiền “bẩn” lên đến 8,54 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỷ USD). 

“Sách Xanh chống tham nhũng”, do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội Văn hiến hợp tác phát hành, cho biết từ tháng 1 - 9/2016, toàn Trung Quốc có tổng cộng 67 quan chức cấp tỉnh bị xử lý. Tại 31 tỉnh, thành và khu tự trị trên khắp cả nước đều có quan chức “ngã ngựa” (thuật ngữ Trung Quốc dùng chỉ quan chức bị cách chức do tham nhũng).

Giống như vậy, nhiều lĩnh vực như hệ thống tư pháp, bảo vệ môi trường, hệ thống doanh nghiệp nhà nước đều có quan chức bị điều tra. Ngoài ra, “Sách Xanh chống tham nhũng” nêu rõ, từ tháng 1-8/2016, tổng cộng có khoảng 26.600 cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật do liên quan đến vấn đề chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và tác phong xa xỉ, vượt qua số cán bộ bị xử lý kỷ luật của năm 2013 và năm 2014 cộng lại.

Lập ủy ban giám sát quốc gia mới

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 8/1 thông báo, nước này sẽ thiết lập một ủy ban giám sát cấp quốc gia mới và thúc đẩy điều khoản của một đạo luật về công tác giám sát quốc gia. Đây là một phần nỗ lực nhằm cải cách cơ chế giám sát của Trung Quốc. 

Thông cáo chung, được công bố sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể lần thứ 7 CCDI khóa 18 diễn ra từ ngày 6-8/1, nêu rõ Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm cải cách cơ chế giám sát ở thành phố Bắc Kinh cùng 2 tỉnh Sơn Tây và Chiết Giang. Theo thông cáo này, công tác thí điểm sẽ tiến hành thiết lập các ủy ban giám sát ở địa phương với 3 cấp độ - tỉnh, thành và huyện – nhằm tạo thành một cơ chế giám sát tích hợp “mang tính hợp nhất, hữu hiệu và có thẩm quyền”.

Cũng theo thông cáo, cơ chế giám sát mới này sẽ tích hợp các chức năng của cơ quan giám sát hiện hành, các cơ quan chống tham nhũng, cũng như các ban ngành chuyên xử lý các vụ án tham nhũng và xao nhãng nhiệm vụ.

Phần lớn người dân Trung Quốc hài lòng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, gần 93% người dân nước này cảm thấy hài lòng đối với thành quả trong công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng của nước này, tăng 17,9% so với năm 2012.

Theo báo cáo trên, được triển khai thăm dò ý dân đối với 25.200 hộ gia đình tại 21 tỉnh, khu vực và thành phố trên toàn Trung Quốc về công tác xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng trên toàn quốc từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2016, cho thấy 92,9% số người được hỏi hài lòng với công tác chống tham nhũng. So với các năm trước, các chỉ tiêu về mức độ hài lòng, niềm tin, sự coi trọng, ngăn chặn của quần chúng trong năm 2016 đều có phần tăng, trong đó có 93,1% bày tỏ niềm tin đối với hiện tượng ngăn chặn tham nhũng, tăng 13,8% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, 93,% còn cho rằng lãnh đạo Đảng và Chính phủ tại các khu vực, bộ ngành và đơn vị sở tại đã coi trọng xây dựng tác phong liêm chính của Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, tăng 12,8% so với năm 2012. Trong khi, 90,9% cho rằng trình trạng xảy ra dồn dập các vụ án vi phạm kỷ luật của các cán độ đảng viên hiện nay đã được ngăn chặn, tăng 5,5% so với năm 2012. Báo cáo trên khẳng định rằng các biện pháp trị cả gốc lẫn ngọn trong quản lý Đảng nghiêm ngặt và toàn diện đã nhận được sự đánh giá cao của quần chúng nhân  dân…

Cựu Phó Chánh án TAND Tối cao hầu tòa

Ngày 10/1, cựu Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc Hề Hiểu Minh đã bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa ở thành phố Thiên Tân, miền Đông Bắc Trung Quốc, về tội nhận hối lộ. 

Các công tố viên cáo buộc trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2015, ông Hề Hiểu Minh đã lợi dụng nhiều chức vụ khác nhau để làm lợi cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp và xử lý các vụ án, cũng như đích thân hoặc thông qua gia đình nhận hối lộ trị giá khoảng 114,6 triệu nhân dân tệ (16,6 triệu USD). 

Ông Hề Hiểu Minh đã nhận tội và bày tỏ hối hận về hành vi của mình. Bản án dành cho ông này sẽ được công bố trong thời gian tới.   Trước đó trong năm 2015, ông Hề Hiểu Minh đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.