Chốt giá mỏ cát ở Hà Nội cao gấp 70 lần mức khởi điểm, đáng mừng hay lo?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phiên đấu giá 3 mỏ cát ở TP Hà Nội kéo dài từ 9h ngày 5/11 đến 5h33 ngày 6/11, giá cuối cùng lên 1.690 tỷ đồng, gấp 70 lần mức khởi điểm. Diễn biến cuộc đấu giá như vậy, đáng mừng hay đáng lo?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phiên đấu giá 3 mỏ cát do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội tổ chức như vậy diễn ra liên tục 21,5 tiếng đồng hồ. Mỏ thứ nhất trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,8 tỷ, được 29 tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá qua 89 vòng và người cuối cùng bỏ giá hơn 396 tỷ đồng, gấp 141 lần mức khởi điểm. Mỏ thứ 2 trữ lượng 500.000m3, tiền cọc 300 triệu, giá khởi điểm 2 tỷ, được “chốt” giá 408 tỷ đồng, gấp 204 lần giá khởi điểm. Mỏ thứ ba trữ lượng 4,9 triệu m3, tiền cọc 2,8 tỷ, giá khởi điểm hơn 19 tỷ, “chốt” giá hơn 880 tỷ, gấp 46 lần giá khởi điểm. Tổng số tiền trúng đấu giá của 3 mỏ cát gần 1.690 tỷ đồng, tiền đặt cọc 3,5 tỷ đồng, gấp 70 lần giá khởi điểm.

Tham gia giám sát phiên đấu giá, một cán bộ Sở TN&MT cho biết Sở chọn hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Người tham gia sẽ bỏ phiếu nhiều vòng, liên tục đến khi không còn ai trả giá. Người trả giá cuối cùng có mức giá cao nhất sẽ trúng đấu giá. Theo Luật Đấu giá, đối tượng trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong thời gian quy định sẽ mất tiền đặt cọc. Theo Luật Khoáng sản, nếu đối tượng từ chối nhận kết quả đấu giá trúng sẽ bị cấm đấu giá 12 tháng sau đó.

Về lo ngại đối tượng trúng đấu giá bỏ cọc, lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng Sở đã xây dựng mọi kịch bản, trong đó có đấu giá kéo dài nhiều giờ hay bỏ cọc. Thực tế, việc nhà đầu tư bỏ cọc không phải hiếm và luật đã có chế tài cho từng trường hợp cụ thể. Đánh giá về phiên đấu giá “lịch sử” này, vị cán bộ “gửi lời cảm ơn nhà đầu tư dù thời gian kéo dài vẫn phối hợp với đơn vị tổ chức để phiên đấu giá thành công”.

Nhưng phiên đấu giá này, thực tế có “thành công” như lời vị cán bộ trên nhận xét? Ngày 11/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 1087/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý thực hiện đấu giá quyền cấp quyền khai thác khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nội dung Công điện nêu rõ, trên địa bàn Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.

Thủ tướng chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá với 3 mỏ cát trên, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực, báo cáo Thủ tướng.

Chỉ đạo của Thủ tướng là cực kỳ chính xác. Nghe diễn biến phiên đấu giá trên, thấy thấp thoáng những yếu tố giống như cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP HCM) và cuộc đấu giá “nghìn tỷ” với một mỏ cát tại một tỉnh phía Nam và 2 cuộc đấu giá đó đã đều được cơ quan điều tra chứng minh là có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự. Không thể để xảy ra trường hợp một số đối tượng cố tình đẩy giá trong một cuộc đấu giá lên cao, rồi bỏ cọc, rồi lấy thông tin diễn biến trong cuộc đấu giá đó làm “căn cứ” để bắt tay thông đồng đẩy giá vật liệu xây dựng thông thường lên cao khắp thị trường toàn quốc. Nhất là trong thời điểm các dự án xây dựng đầu tư công đang gấp rút triển khai để phục hồi kinh tế - xã hội, thì những vi phạm như vậy càng phải bị xử lý nghiêm.

Đọc thêm