Chủ động ngăn ngừa bệnh tay - chân - miệng ở trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bắt đầu vào hè, bệnh tay - chân - miệng ở trẻ cũng bắt đầu xuất hiện. Tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM đã ghi nhận số ca bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng có xu hướng tăng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang điều trị nội trú cho khoảng 16 ca mắc tay - chân - miệng, trong đó có 1 ca chuyển nặng. Theo bác sĩ Quy, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có 4-5 ca phải nhập viện điều trị.

Còn tại Đà Nẵng, dịch bệnh tay - chân - miệng hiện đang bước vào mùa. Theo hệ thống giám sát dịch bệnh thành phố, từ 24/4 đến 1/5, toàn TP Đà Nẵng ghi nhận 105 ca mắc tay - chân - miệng, chiếm 48,6% tổng số ca mắc bệnh tính từ đầu năm (215 ca mắc). Trong đó, số trẻ em dưới 5 tuổi là 210 ca, chiếm 97,7%, các ca mắc xuất hiện hầu hết ở 7 quận, huyện nhưng tăng cao ở quận Liên Chiểu (55 ca), Hòa Vang (41 ca) và Ngũ Hành Sơn (37 ca).

Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại địa phương; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để truyền tải thông tin, thông điệp, các biện pháp phòng chống đến người dân.

Các bệnh viện cũng đang tổ chức phân luồng khám bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các biến chứng nặng và tử vong liên quan đến bệnh tay - chân - miệng.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành có liên quan cùng phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo.

Theo BS Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, bệnh tay - chân - miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ lành bệnh. Bên cạnh đó, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, thân thể, tăng cường bổ sung các loại nước trái cây, vitamin C, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, ưu tiên đồ ăn trẻ yêu thích. Các thức ăn quá chua hay quá mặn có thể làm các vết loét trong miệng nghiêm trọng hơn, vì vậy các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý.

"Đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ ở nhà, phụ huynh cần theo dõi chuyển độ ở trẻ như trẻ sốt cao liên tục không hạ, giật mình chới với. Đây là 2 dấu hiệu thường gặp khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, trẻ nôn ói, quấy khóc liên tục, tay chân yếu liệt, run rẩy... thì nên đưa đi viện sớm để điều trị kịp thời.

Đọc thêm