Chủ động nhận diện vướng mắc pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

(PLVN) -Sáng 20/12, Bộ Tư pháp đã long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đến dự và chỉ đạo Diễn đàn.
Chủ động nhận diện vướng mắc pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 là cơ hội để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Việc cơ quan nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn bàn sâu về môi trường thể chế, hành lang/khuôn khổ pháp lý, việc tiếp cận các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện các vướng mắc, những vấn đề pháp lý đang là điểm nghẽn, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan… Từ đó đề xuất nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Diễn đàn cần đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, cũng như trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực và khả thi, có thể tập trung vào các nội dung như: Tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế... Từ việc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý và đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, diễn đàn cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.

Lộ trình này cần bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) về phát triển kinh tế-xã hội; có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đồng thời, lộ trình cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; cần có cách thức hỗ trợ hữu hiệu để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" - vừa tuân thủ tốt pháp luật, vừa có khả năng nhận diện, đánh giá, phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Phó Thủ tướng Thường trực gợi ý Bộ Tư pháp nghiên cứu việc đưa Diễn đàn thành sự kiện thường niên, với uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao và có sự tham gia ngày càng rộng rãi, thực sự trở thành kênh trao đổi hữu hiệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến pháp lý, đảm bảo sự hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải thực chất, hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại Diễn đàn để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý để giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý.

Tại diễn đàn với 2 phiên thảo luận, các diễn giả sẽ thảo luận tập trung vào việc tiếp cận các gói hỗ trợ và quản trị rủi ro pháp lý; tháo gỡ vướng mắc và khơi thông nguồn lực trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Một số hình ảnh:

Đọc thêm